Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2020-2022

Theo Thông tư số 38/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022; kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025 thì việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2020-2022 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2020 và xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025.

Yêu cầu trong lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2020-2022

Thông tư nêu rõ, thực hiện quy định tại Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 7 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm (Thông tư số 69/2017/TT-BTC) và giả định tiếp tục các quy định tại thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, việc lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2020-2022 đảm bảo các yêu cầu sau:

Căn cứ kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2019-2021 đã được rà soát, cập nhật vào thời điểm 31 tháng 3 năm 2019, các trần chi tiêu giai đoạn 2020-2022 do cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư thông báo, dự toán ngân sách năm 2020 theo quy định tại Chương II Thông tư này, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và đơn vị cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2020-2022 theo hướng dẫn tại các văn bản nêu trên.

Trường hợp nhu cầu chi của các bộ, cơ quan trung ương và đơn vị cấp tỉnh trong các năm 2020-2022 tăng, giảm mạnh so với dự toán năm 2019 đã được giao và ước thực hiện năm 2019, lớn hơn khả năng nguồn lực tài chính - NSNN mà cơ quan tài chính, đầu tư cập nhật, thông báo cho kỳ 3 năm 2020-2022; các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị cấp tỉnh thuyết minh, giải trình, có các giải pháp huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo các nhu cầu chi phải cân đối được nguồn lực thực hiện.

Riêng đối với năm 2021-2022, việc xây dựng số thu, nhiệm vụ chi, bội chi và vay nợ trên cơ sở Luật NSNN, các Luật về thuế, phí, lệ phí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, các Luật có liên quan đang có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn; định hướng cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW; lộ trình triển khai các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW; các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, chương trình, dự án chi ngân sách đang được thực hiện theo phân kỳ được phê duyệt; các thỏa thuận, hiệp định vay nợ đã được ký kết, triển khai theo cam kết.

Lập kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm 2020-2022 trên cơ sở dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giai đoạn 2020-2022 như sau: năm 2020 tăng trưởng phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016-2020 ở mức 6,5-7%; năm 2021-2022, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6-6,7%; chỉ số giá tiêu dùng ổn định ở mức dưới 4%/năm; tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục được duy trì gắn với việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết.

Việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2020-2022 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2020 và xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch thu NSNN

Kế hoạch thu NSNN 03 năm 2020-2022 được lập trên cơ sở cập nhật kế hoạch 03 năm 2019-2021; dự toán thu NSNN năm 2020 và mức tăng trưởng thu dự kiến cho năm 2021, năm 2022 theo quy định tại khoản 2 điều này; đảm bảo nguyên tắc mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN theo quy định của Luật NSNN.

Tỷ lệ tăng trưởng thu dự kiến cho giai đoạn 2020-2022 được xác định theo đúng chính sách, chế độ thu NSNN hiện hành, đồng thời tính đến: Khả năng phát triển kinh tế cả nước, từng ngành nghề, lĩnh vực và địa phương trong năm 2020, dự kiến năm 2021-2022 phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô tại Khoản 3 Điều 14 nêu trên; các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của từng năm; các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế; Các yếu tố dự kiến làm tăng, giảm thu do điều chỉnh chính sách thu, bổ sung mở rộng cơ sở tính thuế, tăng cường quản lý thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW; triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập; động viên từ khu vực kinh tế phi chính thức;... Tác động thu ngân sách từ việc điều chỉnh giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí so với GDP bình quân khoảng 19-20%/năm; tốc độ tăng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và chênh lệch thu, chi ngân hàng nhà nước) bình quân chung cả nước tăng khoảng 10-12%/năm, tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 5-7%/năm.

Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức bình quân chung, tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Đối với các khoản thu phí, lệ phí nộp ngân sách và để lại chi theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ số dự kiến thu năm 2020 để xây dựng kế hoạch thu năm 2021-2022 phù hợp, tích cực, cụ thể theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định (số thu, số được để lại chi theo chế độ chi tiết các lĩnh vực chi tương ứng, số nộp NSNN) và chỉ tổng hợp vào dự toán thu NSNN phần phí, lệ phí nộp NSNN.

Các cơ quan quản lý nhà nước dự kiến số phí được để lại theo cơ chế đặc thù, chi tiết việc sử dụng cho chi thường xuyên theo quy định, chi các chương trình, dự án đầu tư nguồn phí để lại chuyển tiếp từng năm 2021-2022.

Đối với các khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế, dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ không thuộc nguồn thu NSNN, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch thu và xây dựng phương án sử dụng để gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định.

Kế hoạch chi NSNN

Kế hoạch chi NSNN 03 năm 2020-2022 của các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh được lập trên cơ sở cập nhật kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2019-2021, số ước thực hiện năm 2019, trần chi ngân sách giai đoạn 2020-2022 do cơ quan có thẩm quyền thông báo, dự toán năm 2020 được lập ở chương II Thông tư này; trong đó thuyết minh cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án (kể cả chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu) đã hết thời gian thực hiện/mới được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt lưu ý việc triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII.

Trong quá trình xây dựng dự toán chi NSNN năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh đồng thời xác định chi tiết chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới của bộ, cơ quan, đơn vị mình năm dự toán 2020 theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính để làm căn cứ xác định chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới và tổng hợp nhu cầu chi ĐTPT, nhu cầu chi thường xuyên trong kế hoạch chi năm 2021-2022.

Đối với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực bên cạnh việc lập kế hoạch thu, chi NSNN từng năm của giai đoạn 2020-2022 (phần bộ trực tiếp thực hiện), cần tính toán xác định nhu cầu kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền ban hành từng năm của giai đoạn 2020-2022, kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán.

Đối với năm 2021-2022: Việc lập kế hoạch chi ĐTPT căn cứ vào tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đầu tư chuyển tiếp/đã được phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư; gắn với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, các định hướng đổi mới, phát triển nền kinh tế theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Khóa XII; Không lập kế hoạch chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu. Việc bổ sung kế hoạch chi cho các nhiệm vụ này sẽ được cập nhật sau khi cấp thẩm quyền có chủ trương, quyết định về triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sau năm 2020; Việc lập kế hoạch chi từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài tiếp tục theo các Hiệp định, thỏa thuận vay và cơ chế tài chính đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Lập kế hoạch chi thường xuyên năm 2021-2022: Lập kế hoạch chi tiết việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách, chế độ còn hiệu lực/hết hiệu lực; các mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách mới đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; Đối với Nghị quyết số 18-NQ/TW, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đến năm 2021, các mục tiêu tại Nghị quyết cho giai đoạn từ năm 2021-2025, các mục tiêu theo Đề án được phê duyệt - nếu có, dự kiến cụ thể việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, về giảm biên chế trong từng năm 2021-2022 và các tác động kinh phí NSNN theo từng mục tiêu, nhiệm vụ (tiết kiệm chi NSNN do giảm đầu mối, giảm biên chế; tăng chi NSNN do thực hiện chính sách tinh giản biên chế).

Đối với Nghị quyết số 19-NQ/TW, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đến năm 2021, các mục tiêu tại Nghị quyết đến năm 2025, các mục tiêu theo Đề án được phê duyệt - nếu có, thực hiện lập dự toán tương tự dự toán năm 2020 quy định tại khoản 3, điều 11 Thông tư này, với mức giảm biên chế hàng năm theo Đề án được phê duyệt - nếu có, hoặc hàng năm giảm bình quân 2,5%, cộng thêm số chưa thực hiện được của giai đoạn trước năm 2021 (nếu có) số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN.

Theo KL/https://www.mof.gov.vn