Khẳng định vai trò kinh tế tư nhân

ông nhân Công ty CP Tam Kỳ (Thái Bình) tham gia sản xuất bao bì PP-PE để cung ứng cho các làng nghề và khu công nghiệp trong tỉnh.

ông nhân Công ty CP Tam Kỳ (Thái Bình) tham gia sản xuất bao bì PP-PE để cung ứng cho các làng nghề và khu công nghiệp trong tỉnh.

Hội nghị T.Ư 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết là một bước tiến mới, nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, thể hiện đường lối quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân.

 

Các nội dung của Nghị quyết nếu thực hiện hiệu quả, sẽ khuyến khích phát triển lực lượng kinh tế tư nhân, khơi nguồn cho sự đổi mới, là cơ sở để giải phóng sức sản xuất, sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò kinh tế tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất. Đồng thời, tạo sức mạnh và động lực để chúng ta hội nhập sâu hơn, khai thác các thành phần kinh tế nhiều tiềm năng tốt hơn, là điều kiện để áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để kinh tế tư nhân không ngừng phát triển theo Nghị quyết Hội nghị T. Ư 5, khóa XII, cần lưu ý một số điểm căn bản sau: Thứ nhất, về thể chế chính sách, dù muốn hay không thì thực tế hiện nay, vai trò của kinh tế tư nhân chưa được công nhận như Nghị quyết, vẫn còn nhiều định kiến về kinh tế tư nhân, nhất là ở cấp cơ sở, vì thế cơ quan nhà nước các cấp theo thẩm quyền cần khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa, củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 5, khóa XII và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được Quốc hội thông qua. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, các chủ thể kinh tế và các không gian kinh tế. Khắc phục triệt để tình trạng các doanh nghiệp lớn chi phối, lấn át doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh tế.

Các cơ chế, chính sách phải tích hợp được với nhau và về tổng thể khung pháp lý phải hình thành một trật tự sản xuất, kinh doanh “mới hơn, có độ mở hơn” với các quan hệ đa dạng, nhiều chiều hơn giữa các chủ thể khác nhau, tôn trọng nguyên tắc thị trường, tôn trọng pháp luật và để cạnh tranh lành mạnh, thật sự trở thành động lực chủ yếu giữa các doanh nghiệp.

Thứ hai, thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Thông qua việc xây dựng cơ chế “một cửa điện tử” thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng, kể cả đối với bất động sản, ruộng đất... để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, phân bổ nguồn lực hiệu quả. Khi pháp luật về sở hữu rõ ràng thì tự nó sẽ đặt ra một trật tự có giới hạn cho các quyền của các chủ thể trong xã hội được bảo đảm, theo đó các doanh nghiệp sẽ biết trân trọng sự hợp tác và gắn kết nhiều hơn, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ nói không với “chi phí ngầm” sẽ tăng và sự cạnh tranh lành mạnh trở thành động lực chính giữa các doanh nghiệp. Đó là thành tố cực kỳ quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh bền vững.

Thứ tư, việc đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay có nhiều vấn đề, chuyện “ thầy nhiều hơn thợ” rồi “thiếu cả thầy và thợ”, đó là báo động rất đáng quan ngại. Vì thế, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Trong đó, chú trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đào tạo nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân trong một số ngành, lĩnh vực theo đặt hàng của doanh nghiệp. Các chương trình hướng nghiệp, giáo dục kinh doanh phải được giới thiệu và phổ biến ở bậc phổ thông.

Thứ năm, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tăng cường coi trọng việc tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và trả lời, giải đáp những vướng mắc kịp thời của doanh nghiệp ở các cấp, ngành.

Mặt khác, Nhà nước sớm ban hành luật hội, nhằm thúc đẩy phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp sở hữu tư nhân, để các hiệp hội có chỗ dựa pháp lý vững chắc, rõ ràng, phát huy sứ mệnh là đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự phát triển của từng ngành hàng, của mỗi doanh nghiệp.

Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm thiết thực, sự đồng hành hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị. Cùng với năng lực nội sinh rất lớn, sự đồng lòng chung sức của doanh nhân, doanh nghiệp, tin tưởng những năm tới, sẽ là cơ hội tốt để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh doanh, định vị thương hiệu, xứng đáng vai trò, vị thế và tiềm năng của kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5, khóa XII.

 Theo Tô Hoài Nam/nhandan.com.vn