Khó khăn trong giao đất, giao rừng ở Hương Sơn
- Thứ tư - 10/07/2013 20:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Trần Xuân Dục - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng, tay vuốt mồ hôi, đầu lắc nguầy nguậy dưới cái nắng như thiêu như đốt cuối tháng 6, phân trần: “Vất vả lắm anh ạ nhưng có khả năng 1.200 ha/ 2.800 ha rừng trong kế hoạch không giao được cho dân. Tuyên truyền, động viên, giải thích... UBND xã đã vận dụng hết nhưng chưa có kết quả. Nguyên nhân là do đất, rừng xa dân quá...”.
Diễn tập PCCCR ở Hương Sơn |
Theo một cán bộ của đoàn tư vấn, công việc đo đạc xác định ranh giới gặp rất nhiều khó khăn. Vị trí, diện tích trên bìa (đối với những hộ đã có bìa) so với trên thực địa có nhiều nơi không thể xác định được. Nhiều, ít, ranh giới giữa các hộ trước và sau khi đo vẽ có chênh lệch, gây thắc mắc, tranh chấp... Tiến độ công việc vì thế mà rất ỳ ạch, khó khăn. Chỉ riêng một xóm có khi tiến hành đo 3 ngày không xong...
Được biết, cái khó nữa mà xã chưa giải quyết được là trong số 986 ha rừng và đất lâm nghiệp đã có “bìa” trước đây của các hộ dân xóm 1, 2, 3, thì nay có gần 40 hộ chưa chịu đổi “bìa” vì cho rằng giá đo vẽ của tư vấn cao (850.000 - 1.000.000 đồng/ ha) so với khả năng gia đình họ!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Sơn Hồng, hầu hết các địa phương trên địa bàn Hương Sơn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ giao đất, giao rừng diễn ra rất chậm chạp, thậm chí có nơi “dẫm chân tại chỗ”.
Sơn Lĩnh là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý cao thứ 2 trong huyện (807,9 ha), chỉ sau Sơn Hồng (trên 3.000 ha). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Đoài - Chủ tịch UBND xã, thực hiện phương án giao đất, giao rừng được phê duyệt từ năm 2008, xã đã có những bước triển khai thực hiện nhất định nhưng tiến độ vẫn rất chậm... Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tiền tư vấn cao (tính chung khoảng 1,4 triệu đồng/ha), dân nghèo không có tiền góp; gay hơn là địa phương chưa giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm đất rừng trái phép, tranh chấp ranh giới...
Một điều quan trọng đáng để các cấp, ngành chức năng quan tâm, xem xét nhằm tránh gây hậu quả không tốt sau này đối với nguồn sinh thủy ở Sơn Lĩnh, đó là việc xác định rừng đầu nguồn. Theo UBND xã, văn bản cấp trên xác định, Sơn Lĩnh không có rừng đầu nguồn. Nhưng thực tế, người dân và cả UBND xã cho rằng, diện tích khoảng 400 ha xung quanh các hồ, đập, khe, suối... trên địa bàn chính là nguồn sinh thủy và cần được xem là rừng đầu nguồn, xã sẽ xin phép giữ lại, không giao cho dân...
Còn ở Sơn Tiến, tình hình có khá hơn chút ít. Sau nhiều lần tổ chức họp bàn, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2013, trên 300 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó có trên 79 ha đã được giao khoán từ trước) đã được 82 hộ có đơn nhận; xã vừa trình phương án lên huyện phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều hộ dân dù đã nhận rừng nhưng chẳng mấy mặn mà. Bởi họ cho rằng, rừng nơi đây chủ yếu thuộc diện phòng hộ, không được khai thác, đất bạc màu... nên sẽ cho thu nhập thấp. “Điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững sau này...” - một cán bộ xã, băn khoăn.
Theo BCĐ giao đất, giao rừng huyện Hương Sơn, kết quả rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã có từ khá sớm. Theo đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại 28 xã, thị trấn quản lý là trên 4.786 ha. Và theo kế hoạch, số diện tích rừng và đất lâm nghiệp này phải được giao cho các hộ dân trước ngày 30/6/2013. Tuy nhiên, như trên đã nêu, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương nên đến thời hạn trên, nhiều xã vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện phê duyệt để giao cho các hộ dân...
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giao đất, giao rừng tại các địa phương trong huyện, BCĐ huyện và các xã đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đảm bảo tiến độ là cần thiết, song quan trọng hơn là làm sao đảm bảo được sự bền vững, lâu dài. Điều đó chỉ có được từ sự đồng thuận ngay ở khâu nhận rừng đến lợi ích mà người dân thu được trên chính những ha rừng đó.
Trọng Tuệ
Nguồn baohatinh.vn