Khoan sức dân, chăm lo cho dân

Khoan sức dân, chăm lo cho dân
Với hơn 63% dân số ở khu vực ngoại thành, việc triển khai Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015" trở thành nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ các huyện ngoại thành.


Tiến hành nhiều giải pháp, trong đó chú ý phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; huy động sức dân và cộng đồng trách nhiệm của DN…, kết quả thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ không chỉ định hình vóc dáng của nông thôn hiện đại mà hơn hết đã chứng minh vai trò của "tam nông" trong sự nghiệp phát triển của Thủ đô.
 
Nhờ thực hiện tốt các chương trình phát triển nông nghiệp, nhiều gia đình tại xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã có thu nhập ổn định.
Nhờ thực hiện tốt các chương trình phát triển nông nghiệp, nhiều gia đình tại xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã có thu nhập ổn định.

"Tổng động viên" sức dân

TP Hồ Chí Minh chỉ có 58 xã xây dựng nông thôn mới (NTM), trong khi TP Hà Nội cần thực hiện ở 401 xã và một phần của 22 thị trấn (gấp 7 lần). Không chỉ nhiều về số lượng, khu vực ngoại thành Thủ đô sau hợp nhất còn bộn bề khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (có nơi tới 13-15%), sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản thấp, chưa có thương hiệu… 

Lấy tuyên truyền là giải pháp hàng đầu, các cấp ủy, chính quyền đã tổ chức hàng nghìn cuộc trao đổi, tập huấn nghiệp vụ giúp cán bộ nhận thức đúng và biết những đầu việc cần làm. Phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" được 19/19 huyện, thị xã phát động nhằm kêu gọi huy động tổng lực của Nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân. Từ đây, đã có những câu chuyện xúc động trong thực tiễn được nhân dân ghi nhận. Một trưởng thôn hăng hái bỏ tiền túi mời chuyên gia về nói chuyện cốt để cho dân trong thôn thấu hiểu tường tận, xây dựng NTM phải bắt đầu từ đâu, làm những việc gì. Một đội trưởng đội sản xuất (thôn An Mỹ, xã Đại Thắng, Phú Xuyên) tự nguyện nhận khu đất xấu, đầu tư nhiều tiền của, công sức, cải tạo khu đất thành trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt đã cho hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng (Phú Xuyên) thuyết phục gia đình nhận 8 sào ao, thùng, vũng… đã giúp nông dân thêm hiểu thế nào là tinh thần "đảng viên đi trước", từ đó cùng cộng đồng trách nhiệm xây dựng NTM. Cũng từ đây, trên mọi làng quê đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân hiến đất mở rộng đường, xây dựng công trình phúc lợi; đóng góp công sức cho những công trình của NTM.

Bên cạnh đó, nhiều huyện đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng giao thông thôn xóm, thủy lợi nội đồng bằng việc tín chấp, bảo lãnh cho DN yên tâm cung cấp vật liệu đến công trình bảo đảm đúng tiến độ… Hàng nghìn kilômét đường giao thông nông thôn, nội đồng đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc giao thương, canh tác. Cùng với đó, phong trào dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã được phát động và được nhân dân hưởng ứng, dồn đổi 22,6 nghìn héc ta (chỉ tiêu là 19,4 nghìn héc ta). Có thể nói, đây là việc làm rất khó mà các huyện ngoại thành Hà Nội đã quyết tâm thực hiện tốt, tạo đột phá trong tư duy sản xuất nông nghiệp. Chả thế mà một nông dân ở xã Liên Mạc (Mê Linh) đã thốt lên: Thực hiện NTM, người dân được hưởng lợi nhiều, nhất là sau DĐĐT, việc làm nông đỡ cực nhọc hơn, thời gian rút ngắn một nửa, nhưng hiệu quả tăng nhiều lần. 

Khoan sức dân, chăm lo dân, để sau hơn hai năm quyết liệt thực hiện Chương trình số 02, vùng ngoại thành có nhiều khởi sắc. Nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp xây dựng NTM được nâng lên một bước. 401 xã đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM; bước đầu xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đề án phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; các dự án giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản… Trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước hai năm gần đây, nhất là sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ gặp khó khăn thì lĩnh vực nông nghiệp lại nổi lên như là một điểm sáng, lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt Thái Lan, đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD... Đó chẳng phải là những thành quả đáng trân trọng, thể hiện tâm huyết, gắn bó, sâu sát với đồng ruộng, của tinh thần "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" của người nông dân Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng sao. 

Tăng tốc nhanh, về đích sớm

Thực tiễn cho thấy, địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, có cách làm sáng tạo; cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiền phong gương mẫu, thì ở đó, phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, đã qua nửa nhiệm kỳ mà nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế; tính chủ động, năng động và quyết liệt chưa cao. Đơn cử như việc DĐĐT, trong khi một số huyện như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín làm tốt, thì có huyện kết quả rất thấp. Chỉ tiêu thành phố giao cho thị xã Sơn Tây năm 2012 là 1.500ha, mới làm được 50ha; huyện Đan Phượng là 100ha, mới thực hiện được 32ha; huyện Ba Vì 500ha mới đạt 400ha… Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu quyết tâm trong công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu. Đáng quan ngại, một số nơi còn trông chờ sự đầu tư, giúp đỡ của cấp trên, chưa coi trọng việc phát huy nội lực. Tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún; hình thức và quy mô sản xuất nhỏ chưa được cải thiện; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống; môi trường sống, sản xuất khu vực nông thôn ở nhiều nơi ô nhiễm nặng, nhưng thiếu các giải pháp khắc phục. Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nguồn lực thực hiện xây dựng NTM chủ yếu vẫn từ ngân sách, chưa huy động nhân dân đóng góp được nhiều. Các địa phương mới chú trọng triển khai các dự án xây dựng cơ bản, chưa tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vệ sinh môi trường và xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Để tăng tốc nhanh, sớm về đích, đạt mục tiêu: Nâng cao đời sống cho 4,2 triệu dân khu vực nông thôn (chiếm hơn 63% dân số Thủ đô), phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã, tương đương với 161 xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của nửa nhiệm kỳ còn lại. BCĐ Chương trình số 02 do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái làm Trưởng ban đã tăng cường giao ban, đánh giá, báo cáo Thành ủy triển khai các giải pháp. Trong đó, thành phố nhất trí với đề nghị bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, theo nguyên tắc ưu tiên cho DĐĐT, giao thông, thủy lợi nội đồng, sau đó mới đến giao thông thôn xóm. Hà Nội ưu tiên tạm ứng kinh phí cho các xã hoàn thành khối lượng công việc năm 2012, đủ điều kiện triển khai thực hiện trong năm 2013 và các xã tích cực triển khai các khâu trong NTM. Ngoài ra, BCĐ đã yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền hơn nữa để giúp người dân hiểu rõ đối tượng thụ hưởng là nông dân và chủ thể thực hiện chương trình này không ai khác chính là nông dân. Hơn hết, giúp cấp ủy, chính quyền, người dân hiểu, xây dựng NTM không đơn thuần là triển khai một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng mà là chương trình phát triển tổng hợp để vùng ngoại thành có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, gắn phát triển nông thôn với đô thị, đời sống của cư dân nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc...
 
Thực hiện Chương trình số 02, các doanh nghiệp, đoàn thể và nhân dân đã đóng góp hơn 1.015 tỷ đồng. 100% xã đã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM; 236/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu chí, trong đó 27 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí. Đường giao thông được cứng hóa đạt 75%; trạm y tế được kiên cố hóa đạt chuẩn quốc gia trên 97% (theo chuẩn cũ); 86% người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 57,8% thôn, xóm, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa. Thu nhập bình quân năm 2012 của nông dân đạt 21,36 triệu đồng/người; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48%. Tổng kinh phí đầu tư cho NTM là hơn 9.965 tỷ đồng, bao gồm ngân sách TP, huyện, xã, DN và nhân dân đóng góp.