Lao động tại nông thôn đang giảm dần

Lao động tại nông thôn đang giảm dần
Luồng di cư chủ yếu tại nước ta hiện nay là từ nông thôn lên thành thị hoặc đến các khu công nghiệp. Cùng với đó, số lượng lao động làm việc tại nông thôn đang giảm dần. Độ tuổi lao động di cư dưới 30 tuổi và chủ yếu là vì mục đích kinh tế.
Ngày 20/6, Bộ LĐTBXH công bố kết quả nghiên cứu dự án “tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO”.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu (2007), Việt Nam có gần 80% lực lượng lao động làm việc tại nông thôn, đến nay con số này đã giảm còn 70,3%.
 
Do quá trình thu hồi đất nông nghiệp và đô thị hóa khiến diện tích đất canh tác đang dần giảm xuống. Thêm nữa, thu nhập mang lại từ nông nghiệp đã và đang không đủ đáp ứng cho việc duy trì cuộc sống. Vì vậy, nhiều người đã di cư lên thành thị hoặc đến các khu công nghiệp - đó cũng là luồng di cư chính ở nước ta hiện nay.
Dự án đã lựa chọn những tỉnh, thành phố có nhiều lao động di cư đến làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất và những tỉnh, thành phố đang trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện điều tra khảo sát, cụ thể là: Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tp.Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
 
Chủ yếu các lao động di cư nhằm tìm kiếm một công việc có thể mang lại thu nhập cao hơn. theo số liệu thống kê, có 6,5 triệu người đã di cư trong thời gian từ 2004 đến 2009, trong đó 80% là vì mục đích kinh tế.
 
Những lao động này, có tỷ lệ nữ giới 61,3% áp đảo so với 31,7% nam giới và còn khá trẻ chủ yếu là dưới 30 tuổi và nhóm di cư đến các khu công nghiệp thì có độ tuổi trung bình là 23.
 
Lao động di cư chủ yếu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật: 66,1%. Chính vì trình độ thấp nên họ không có nhiều quyền lựa chọn và phải chấp nhận những công việc vất vả, mất sức lao động hay độc hại với thu nhập thấp. Theo nghiên cứu có 30,5% người lao động di cư làm các công việc có đặc điểm ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn; 14,1% làm công việc độc hại, 10,4% làm công việc có tính chất nguy hiểm.
 
Một điểm đáng chú ý là dù không có chuyên môn kỹ thuật nhưng 44,7% lao động di cư cho rằng họ không cần học thêm kỹ năng, nghiệp vụ nào để làm quen với công việc hiện tại. Vì vậy những lao động di cư không mấy “mặn mà” với hỗ trợ đào tạo nghề. Đồng nghĩa với việc đối tượng của những đề án rất lớn như đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đề án tạo việc làm và đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ dần ít đi.
 
Lao động di cư được đánh giá là nhóm yếu thế, thu nhập thấp và cần có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ dành cho họ cả từ nơi đi và nơi đến đều khá ít, hoặc thiếu hiệu quả. Có 92,9% lao động di cư được hỏi cho rằng địa phương sở tại không có bất kỳ hỗ trợ gì.
 
Việc quá nhiều lao động từ nông thôn di cư lên thành thị sẽ dẫn đến mất cân bằng về lao động.
Tình trạng chung của nhiều đô thị lớn tại nước ta hiện nay là “quá tải” với người nhập cư. Trong khi đó, tại một số vùng nông thôn lại xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do thu nhập từ nông nghiệp quá thấp nên nhiều lao động vẫn lựa chọn di cư đến thành thị, các khu công nghiệp bất chấp ruộng đất tại quê có thể bị bỏ hoang hoặc để người khác làm. Đô thị trở nên quá tải còn nông thôn thì ngày một trống trải, ruộng đồng hoang hóa.