Lối đi nào cho nông nghiệp ứng dụng CNC ở Nghệ An? Kỳ 1: Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao loay hoay tìm lối đi
- Thứ ba - 13/02/2018 06:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thế nhưng, để nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển bền vững thì nhà đầu tư vẫn đang loay hoay tìm lối đi.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Chủ trương khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…liên kết để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng sạch, an toàn đang được các cấp, ngành quan tâm, ủng hộ.
Ngày 7/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP về việc dành gói vay 100 nghìn tỷ đồng để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn cả nước.
Tiếp đó, vào ngày 24/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Cùng với chủ trương gói vay tín dụng này, Nghệ An cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng đề án, tổ chức hội thảo để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn có 303,919 ha đất sản xuất nông nghiệp. Với số diện tích như vậy đã mở ra cho Nghệ An tiềm năng rất lớn để đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng CNC trong thời gian tới.
Từ 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 9.502ha ứng dụng CNC được triển khai với các mô hình như trồng rau, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tiêu chuẩn VietGAP. Các dây chuyền về CNC của các nước Châu Âu, Hà Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Isarel, Mỹ… cũng được ứng dụng triển khai trong những năm qua. Điển hình như: Công nghệ giống, nhà kính, điều khiển tự động tưới nước, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng…giúp người trồng trọt, sản xuất làm chủ được quy trình sinh trưởng, phát triển đối với giống, cây trồng và vật nuôi.
Đến nay, trên địa bàn Nghệ An cũng đã có 12 doanh nghiệp đầu tư phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp với tổng diện tích 2.734ha đất sản xuất. Qua đánh giá về hiệu quả sản xuất nông nghiệp đạt từ 200 – 250 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2-3 lần so với lối sản xuất truyền thống.
Tuy nhiên, so với tổng diện tích (9.502ha) đất được triển khai ứng dụng CNC, chiếm 3,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An thì hầu hết do dân đầu tư chiếm phần lớn (6.768ha), còn lại là của doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Nghệ An còn khiêm tốn. Chính vì vậy, các khâu chuỗi liên kết từ đầu tư sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm vẫn chưa được chú trọng cho xứng tầm.
Chưa định hình được đầu ra
Có một thực tế đang tồn tại đối với ngành nông nghiệp ở Nghệ An trong thời gian qua đó là tình trạng “được mùa, rớt giá” nông sản vẫn thường xảy ra. Mặt khác, việc lựa chọn ngành nghề, đầu ra cho sản phẩm vẫn đang bị “tắc” khi tiến hành sản xuất đại trà.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc lựa chọn cây gì để trồng, con gì để nuôi đối với nông nghiệp ở Nghệ An vẫn còn mang tính tự phát. Tâm lý người dân khi thấy cây con gì được giá mùa này thì vụ mùa khác sẽ triển khai đại trà theo phong trào. Chính vì vậy, nguồn cung lớn trong khi đó thị trường tiêu thụ nhỏ giọt khiến nông dân phải bán đổ, bán tháo nông sản cho tư thương rất dễ bắt gặp trong thời gian qua.
Thực trạng này cũng rất dễ bị ảnh hưởng trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Nghệ An. Bởi thực tế, trong tổng số 9.502ha đất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Nghệ An thì đã có 6.768ha đất tập trung ở các hộ nông dân.
Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đang được các cấp, ngành ở Nghệ An quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển. Đặc biệt, việc thu hút doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính để đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang được tập trung mời gọi. Làm được điều này chính là tạo ra các xâu chuỗi về sản xuất, tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Ngược lại, người dân cũng cần tuân thủ các định hướng về thị trường sản phẩm, quy trình sản xuất đảm bảo sạch – an toàn để giữ thương hiệu nông sản vùng miền của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lập cũng khuyến cáo người dân không nên sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo kiểu đại trà rất dễ rơi vào cảnh nông sản làm ra “được mùa rớt giá”.
Tỉnh Nghệ An cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục thuê đất, thuỷ lợi, thuế, bảo hộ thương hiệu sản phẩm…cho doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cũng đang đề xuất với UBND tỉnh và HĐND tỉnh sẽ dành nguồn hỗ trợ địa điểm kinh doanh bán hàng theo chuỗi với mức 3 triệu đồng địa điểm/tháng; Về nhà lưới không quá 300 triệu đồng/mô hình, tối thiểu 1.000m2.
Định hướng phát triển là vậy nhưng Nghệ An mới chỉ nhìn thấy lối đi cho ngành nông nghiệp ứng dụng CNC với vai trò quan trọng ở các doanh nghiệp. Còn về chủ trương, chính sách, thủ tục để ưu tiên cho lĩnh vực này vẫn chưa được “tháo gỡ” trong thực tiễn. Đặc biệt, vai trò của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông vẫn chưa được định hình rõ nét, hiệu quả.
Kỳ II: Doanh nghiệp không muốn “sớm nở, tối tàn”