Mấy năm trở lại đây, nông nghiệp luôn được coi là trụ cột của nền kinh tế, là ngành duy nhất xuất siêu. Tuy nhiên, trong cuộc đua cạnh tranh, nông nghiệp luôn tỏ ra đuối sức, và người nông dân vẫn “tự bơi” là chính.
- Thứ năm - 26/12/2013 02:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong sản xuất lúa gạo, một số địa phương trọng điểm tại khu vực ĐBSCL đều được khuyến cáo nên tổ chức quy hoạch vùng chuyên canh, trợ giúp và không để nông dân “tự bơi”, thế nhưng đến nay hầu như chưa có địa phương nào vào cuộc. Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa để ổn định giá và để nông dân có lãi 30%, nhưng hiện nay giá lúa gạo gần như vẫn do thương lái quyết định. Trong khi tại Thái Lan, khi có biến động của thị trường, chính phủ nước này lập tức can thiệp bằng cách thu mua giá cao để giữ giá lúa cho nông dân, đồng thời đảm bảo giá gạo xuất khẩu. Hoặc như nước láng giềng nữa là Malaysia thì thực hiện chính sách cấm nhập khẩu gạo để đảm bảo tiêu thụ hết lúa cho nông dân trong nước.
Còn ở Việt Nam, đến nay nông dân vẫn là “trụ cột” trong nhiều khó khăn của cả sản xuất và thị trường. Rất nhiều lời hứa được “chuyển” tới bà con để họ hi vọng, nhưng “niềm hi vọng cứ vơi dần sau mỗi mùa vụ”. Bởi phần lớn là cứ trúng mùa thì mất giá, thậm chí mất mùa cũng mất giá, giá xuất khẩu luôn ở mức thấp, xuất khẩu thô, không có thương hiệu. Nông dân thiệt thòi và nghèo vì được hưởng quá ít trong chuỗi lợi nhuận; trong khi mọi chi phí sản xuất và sinh hoạt đều tăng phi mã.
Trở lại với con cá tra, đa phần nông dân phải bán cá nguyên liệu ở mức dưới giá thành sản xuất, tình trạng này thường xuyên xảy ra những năm qua. Sự sụt giảm ở đây không phải vì đầu ra trong xuất khẩu gặp "vấn đề”, mà ngay cả thời điểm xuất khẩu tốt giá cũng giảm. Theo nhiều nông dân nuôi cá ở Cần Thơ, doanh nghiệp kêu thiếu vốn không có khả năng mua cá hoặc vì lượng cá nguyên liệu trong dân nhiều… Nhưng đó chỉ là cái cớ để doanh nghiệp ép giá nông dân.
Đa phần nông dân phải bán cá nguyên liệu ở mức dưới giá thành - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Năm 2013, kế hoạch của các Bộ, ngành là phát triển con cá tra nhằm nâng cao giá trị và chất lượng. Song kế hoạch này có vẻ đã không thành hiện thực. Theo một chuyên gia trong ngành, để con cá tra phát triển bền vững rất cần một sự quản lý có hệ thống đối với nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng và dịch vụ. Các bên phải ngồi lại với nhau chia sẻ từ lợi nhuận đến khó khăn, đồng thời thành lập chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm.
Làm thế nào để người nông dân hưởng lợi từ công sức của họ và bao giờ họ hết khó trong xu thế hội nhập của đất nước hiện nay. Câu hỏi này đã đặt ra từ lâu và bây giờ vẫn tiếp tục được hỏi.
>> Sản xuất càng lớn thì càng lỗ, và dù lãi hay lỗ, người nông dân đều phải gồng mình gánh nợ. Lối thoát cho họ đến nay vẫn mờ ảo, chỉ có cái nghèo là hiện hữu. |