Ngành nông nghiệp 2018 - Tín hiệu vui ngay từ đầu năm

Ngành nông nghiệp 2018 - Tín hiệu vui ngay từ đầu năm
Xuất khẩu nông sản Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Thái Lan, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất không xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn thực phẩm (ATTP)… đây là những tín hiệu vui của ngành nông nghiệp những tháng đầu năm 2018.

 

Giá gạo xuất khẩu những ngày đầu năm đạt cao (Ảnh Công Hân)

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt qua Thái Lan

Chia sẻ tại buổi họp báo đầu năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) tổ chức sáng 2/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, ngay từ đầu năm toàn ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch năm 2018. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo tập trung sản xuất, chuẩn bị hàng hóa đảm bảo vệ sinh ATTP, bình ổn giá cả thị trường, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Do đó, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, không xảy ra sự cố nghiêm trọng về ATTP. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2 năm 2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Đối với mặt hàng lúa gạo, trong những tháng đầu năm tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn. Nguyên nhân giá xuất khẩu gạo tăng cao là do trong 3-4 năm qua, chúng ta đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%.

Về hạt điều, kim ngạch xuất khẩu điều có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. Với nhãn vải dự báo sẽ được mùa trong năm nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt khâu thị trường tiêu thụ trong tháng 3 và 4/2018.

Trong khi đó, một tín hiệu tốt đối với mặt hàng sắn là thị trường xuất khẩu mở rộng do nhu cầu sản xuất ethanol và dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu sắn có thể đạt từ 1,4-1,6 tỷ USD. Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giao Cục Trồng trọt đánh giá lại, đầu tư khoa học và tuyển chọn bộ giống sắn năng suất cao, thích hợp với các vùng sinh thái để duy trì diện tích nhưng có thể tăng sản lượng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu…

Phấn đấu để tháng 4/2018, EC rút lại “thẻ vàng”

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến XK gạo của Việt Nam đạt kết quả tốt, giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân cũng như triển vọng về XK, giá, thị trường XK trong thời gian tới; giá hồ tiêu giảm sâu do yếu tố nguồn cung ồ ạt, Bộ NN&PTNT đã xem xét thế nào, có giải pháp gì để phát triển bền vững hồ tiêu; Tình hình khắc phục thẻ vàng của Việt Nam; những khó khăn trong cổ phần hóa các DN thuộc Bộ… đã được các báo, đài đặt câu hỏi.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trên kết quả sản xuất, xuất khẩu đạt được của 2 tháng đầu năm, trước thuận lợi về kinh tế, thời tiết và sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ tiếp tục rà soát và nâng cao các chỉ tiêu phải đạt được trong năm 2018.

Đối với thủy sản, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu ngành này phải quyết tâm đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát để không đánh bắt bất hợp pháp. Phấn đấu để tháng 4/2018, EC rút lại “thẻ vàng” cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU (IUU). Không chỉ thủy sản, ngay cả các ngành hàng khác như gỗ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng yêu cầu phải đạt được các tiêu chí về truy suất được nguồn gốc gỗ trong sản xuất tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN&PTNT đều có các chỉ đạo phải minh bạch và bảo tồn vốn nhà nước cao hơn. Đối với Tổng công ty Vật tư nông nghiệp đã cổ phần hóa thành công và chuyển sang hoạt động theo công ty cổ phần. Hiện chỉ còn quyết toán vốn lần 2 và kiểm toán để bàn giao. Trong quý 1, chậm nhất là trong tháng 4/2018 là sẽ bàn giao theo quy định. Đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn này đã được IPO với kỳ vọng bán được 11,88% cổ phần, nhưng mới chỉ bán được trên 2%. Hiện Bộ đang tiếp tục chỉ đạo bán lần 2, đồng thời bán cho người lao động (với khoảng 27.000 lao động được mua) và công đoàn với 1,24% cổ phần. Với 11,88% cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư chiến lược nào. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc cổ phần hóa Tập đoàn Cao su Việt Nam tiếp tục làm theo lộ trình quy định. Trường hợp bán sắp tới không đạt kỳ vọng vẫn chuyển sang công ty cổ phần.

Về Tổng công ty Lương thực miền Nam, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, dự kiến 14/3 sẽ IPO và đang tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Đây là đơn vị có nhiều khó khăn về tài chính và xuất hiện những yếu tố mới ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa nên phải rất thận trọng. Dự kiến, trong quý II hoặc đầu quý II/2018, công ty này sẽ chuyển sang hoạt động công ty cổ phần.

Trong buổi giao ban công tác tháng 2 triển khai công tác tháng 3/2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh mục tiêu kế hoạch đặt ra cho ngành trong năm 2018 rất cao, áp lực rất lớn. Theo kế hoạch năm 2018 của Bộ, toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng GDP tối thiểu là 3,0%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 3,3 - 3,5 %; kim ngạch xuất khẩu khoảng 41 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 22 tỷ USD, thủy sản khoảng 10 tỷ USD, lâm nghiệp khoảng 9 tỷ USD; có 37% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.