Nguồn nhân lực Hợp tác xã: yếu và thiếu

Nguồn nhân lực Hợp tác xã: yếu và thiếu
Với 143 HTX trong các lĩnh vực, kinh tế hợp tác Lâm Đồng là một thành phần quan trọng, là nơi qui tụ sức mạnh của những người dân sản xuất đơn lẻ. Tuy nhiên, trình độ, chất lượng cán bộ quản lý các HTX lại đang đặt ra một câu hỏi cần giải đáp. Lãnh đạo HTX là người dẫn đường, người điều khiển hoạt động của một tập thể nhưng năng lực chưa thể đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Đánh giá chính xác nguồn nhân lực chủ chốt của các HTX trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có thể tóm gọn lại, đó là còn thiếu và yếu.

Sản xuất rau xà lách tại HTX Anh Đào
Sản xuất rau xà lách tại HTX Anh Đào


Ông Bùi Quang Tùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay, qua khảo sát chung, các chức danh trong Ban Quản trị HTX, từ chủ nhiệm, phó chủ nhiệm cho tới ban kiểm soát, hầu hết đều ở trình độ còn thấp. Ở các HTX “kiểu cũ” mới được chuyển đổi, hầu hết chủ nhiệm đều là cán bộ cũ lớn tuổi, có người đã công tác 20, 30 năm. Với các HTX cũ này, chủ nhiệm thường có kinh nghiệm, có quan hệ tốt, hiểu biết về xã viên nhưng trình độ hạn chế, không nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc. Còn các HTX mới thành lập, chủ nhiệm đa phần còn trẻ, nhanh nhẹn song hầu hết đều trưởng thành từ kinh tế hộ gia đình, việc điều hành một đơn vị có qui mô lớn, quan hệ về mặt tổ chức phức tạp như HTX còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng), ở 74 HTX nông nghiệp, lĩnh vực chiếm đa số trong kinh tế tập thể Lâm Đồng, trình độ cán bộ quản lý HTX ở mức không cao với trên 66% có trình độ trung học, 34% tốt nghiệp trung học cơ sở, mới chỉ có 37% đã qua đào tạo chuyên ngành có liên quan, 63% chưa qua đào tạo. Trong số 37% đã qua đào tạo chỉ có 5,4% có trình độ cao đẳng, đại học nông nghiệp, trên 20% có trình độ trung cấp. Trong số các HTX nông nghiệp thành lập mới năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, thì đa số cán bộ quản lý HTX chỉ qua sơ cấp nông nghiệp, rất ít người có trình độ cao hơn. Đây là một khó khăn lớn trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế tập thể.

Nhằm giúp cán bộ quản lý các HTX có thêm kiến thức, quy định chung của pháp luật, hai nơi chính hỗ trợ HTX là Liên minh HTX tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm nào cũng đưa ra các kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các đối tượng như chủ nhiệm, kế toán, ban kiểm soát các HTX. Tới đây thì tiếp tục nảy sinh vấn đề mới. Do việc đi học hoàn toàn là tự nguyện, không có đơn vị nào bắt buộc nên được triệu tập học, có HTX nhiệt tình cử cán bộ tới lớp, có HTX thay vì cử đúng thành phần lại cử xã viên đi học, có HTX bỏ qua. Trừ hai loại hình HTX là quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và giao thông vận tải, do quy định riêng nên buộc cán bộ phải có chứng chỉ của cơ quan quản lý, với các loại hình HTX khác việc đi học là rất “tùy hứng”. Thêm vào đó, lớp tập huấn thường là ngắn ngày, chỉ đủ thời gian cung cấp những thay đổi quan trọng  của luật và các quy định liên quan tới HTX chứ không đủ thời gian để cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ sản xuất kinh doanh. Ông Bùi Quang Tùng thừa nhận: “Sinh viên trong trường đại học học tới 4 năm, đây chỉ học một năm vài buổi thì làm sao đào tạo phương thức quản trị được. Quan trọng nhất là các HTX phải năng động, thu hút được nguồn nhân lực trẻ đã được đào tạo về làm việc”.

Thu hút nguồn nhân lực trẻ trình độ cao về làm việc tại các HTX không phải là việc quá khó. Ông Lại Văn Minh, Chủ nhiệm HTX Ô tô vận tải số 2 Bảo Lộc cho biết, đơn vị ông hiện tại khi tuyển cán bộ trẻ đều yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học. Ông Minh cung cấp: “Tuyển cán bộ làm việc trong HTX, quan trọng là phải tìm ra nguồn để trả lương một cách xứng đáng, ngoài ra đảm bảo các chế độ khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, môi trường làm việc. Tuyển người trẻ có trình độ, tất nhiên mình vẫn phải đào tạo lại nhưng các em học rất nhanh và năng động, kế thừa công việc rất tốt”. Để làm được điều này lại vô cùng khó với những HTX đang trong tình trạng khó khăn, không có nguồn để trả lương nhân viên. Bởi vậy, thu nhập từ HTX không đủ hấp dẫn với những người trẻ được đào tạo bài bản.

 Bài toán thiếu nguồn nhân lực chất lượng - hoạt động HTX đình trệ - không có thu nhập thu hút người tài đang là câu hỏi luẩn quẩn, gây không ít khó khăn cho nền kinh tế tập thể Lâm Đồng. Ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các HTX đã tới lúc phải khẳng định sự chủ động của mình trong việc chiêu mộ những người được đào tạo bài bản, tạo động lực mới đưa hoạt động của các HTX thoát khỏi lối mòn trì trệ.

 Diệp Quỳnh
Nguồn: baodongthap.vn