Nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại

Nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại
Tại dự thảo Quyết định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ trang trại như: Hỗ trợ thành lập khu trang trại, hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ xây dựng hạ tầng…
 
Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với việc hỗ trợ thành lập khu trang trại, tùy theo điều kiện của địa phương, UBND xã quy hoạch khu phát triển kinh tế trang trại và cho thuê đất làm kinh tế trang trại theo quy định hiện hành. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng đường, hệ thống cấp thoát nước tới khu trang trại.

Dự thảo nêu rõ, UBND cấp xã lập dự án, báo cáo dự án lên UBND cấp huyện phê duyệt và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương.

Về đất đai, theo dự thảo, chủ trang trại được cấp có thẩm quyền cho thuê đất ổn định lâu dài từ quỹ đất của địa phương hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần theo dự án 50% chi phí làm đường, xây dựng hệ thống điện đến chân hàng rào trang trại. Mức hỗ trợ tối đa không quá 2 tỷ đồng/trang trại.

Chủ trang trại cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần theo hợp đồng 50% tiền thuê cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tư vấn xây dựng dự án/phương án kinh doanh. Mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/trang trại/2 năm đầu.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần, 100% chi phí cấp giấy chứng nhận và chi phí áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc quy trình thực hành nông nghiệp tốt khác đối với từng trang trại hoặc hợp tác xã của các chủ trang trại.

Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích trang trại xây dựng thương hiệu riêng hoặc tham gia xây dựng thương hiệu của hợp tác xã của các chủ trang trại. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí tham gia hội trợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đối với các trang trại hoặc hợp tác xã trang trại.

Ngoài ra, theo dự thảo, trang trại trồng rừng sản xuất được Ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần chi phí cấp giấy chứng chỉ rừng bền vững, với mức 200.000 đồng/ha nếu trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn. Trang trại nuôi trồng thủy sản được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần đến 30% kinh phí xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, ao lắng. Mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/trang trại; hỗ trợ 50% chi phí lồng bè của trang trại nuôi thủy sản trên biển.

Dự thảo nêu rõ, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương ban hành chính sách hỗ trợ bổ sung cho trang trại trên địa bàn. Nhà nước khuyến khích thành lập các hiệp hội, hợp tác xã của các chủ trang trại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 29.500 trang trại. Trong đó, có 8.800 trang trại trồng trọt (chiếm 29,83%), 10.974 trang trại chăn nuôi (chiếm 37,20%), 430 trang trại lâm nghiệp (chiếm 1,46%), 5.268 trang trại thủy sản (chiếm 17,86%) và 4.028 trang trại tổng hợp (chiếm 13,66%). Số lượng trang trại đã tăng 9.433 trang trại so với năm 2011.

Tuy nhiên, số lượng trang trại hiện nay tăng chậm và phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Khu vực Trung du miền núi phía Bắc là nơi có diện tích đất đai rộng nhưng số lượng trang trại ít, trong khi đó khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ lại tập trung nhiều trang trại thì quy mô diện tích lại thấp, việc phân bố này cũng không đồng đều ở các vùng và các lĩnh vực.

Ngoài ra, mặc dù giá trị sản xuất hàng hóa bình quân một trang trại tương đối lớn (trung bình 2 tỷ đồng/trang trại) nhưng số có thu nhập cao chỉ tập trung ở một số loại hình trang trại chăn nuôi, thủy sản còn các loại hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, kinh doanh tổng hợp giá trị sản xuất thấp, do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu, nhiều chủ trang trại chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường nên sản xuất thụ động. Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực và khu vực nhất định. Sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững, phần lớn chất lượng sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ…

Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển cần phải có cơ chế chính sách đủ mạnh, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn sản xuất hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảonày trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

  Theo Tuệ Văn/baochinhphu.vn