Nông dân Việt Nam ’làm giàu’ cho Trung Quốc

Nông dân Việt Nam ’làm giàu’ cho Trung Quốc
TS. Nguyễn Đình Long cho rằng, VN chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị hàng hóa nông sản chúng ta đạt rất thấp. Phần giá trị sau sản phẩm thô, giá trị chế biến là nước ngoài thu lợi hoàn toàn.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Đình Long, nguyên phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp Phát triển nông thôn (IPSARD) về chiến lược phát triển nông nghiệp VN hiện nay.

Can thiệp chính sách không đúng lúc

PV – Hiện tại, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại quá nhiều nghịch lý như: tại thị trường trong nước, người nông dân mua sản phẩm đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với giá rất đắt trong khi giá người nông dân bán cho doanh nghiệp thu mua thì rất rẻ. Trên thị trường thế giới, Việt Nam luôn đứng đầu về số lượng nông sản xuất khẩu nhưng giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức thấp nhất trên thế giới. Phải lý giải những nghịch lý nói trên như thế nào, thưa ông? Và những nghịch lý đó đang thể hiện vấn đề gì của sản xuất nông nghiệp Việt Nam?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Vấn đề của nông nghiệp là đầu vào tăng vù vù, còn đầu ra thì có tăng nhưng mà thấp hơn so với tốc độ tăng của đầu vào, nên không chỉ sản xuất lúa mà sản xuất nông nghiệp thời gian qua đều bất lợi, việc sản xuất không mang lại lợi nhuận cao.

Biến động không chỉ trong nước mà còn cả thị trường thế giới, có hai ảnh hưởng, một là do suy thoái kinh tế, tác động giá thế giới chi phối giá trong nước, hai là đầu vào sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón) VN phụ thuộc quốc tế nhiều.

Chính vì những ảnh hưởng đó nên nông sản của mình thời gian qua gặp nhiều bất lợi, thậm chí bị thu hẹp thị trường, tác động vào sản xuất trong nước, mà đối tượng chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất là người nông dân, cụ thể là nông dân làm lúa.

Việc thiếu chế biến sau thu hoạch khiến VN phải xuất nông sản thô, và làm lợi cho nước khác.

Việc thiếu chế biến sau thu hoạch khiến VN phải xuất nông sản thô, và làm lợi cho nước khác.

PV – Vậy theo ông, có hay không lý do vì lâu nay nông nghiệp VN chủ yếu chạy theo số lượng mà quên đi việc nâng cao giá trị thặng dư, chế biến sau thu hoạch cho sản phẩm nông nghiệp, làm nền nông nghiệp thiếu bền vững, thế giới biến động là nền nông nghiệp trong nước liền chịu hậu quả?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Nước ta tuy là nước sản xuất nông nghiệp, sản lượng các mặt hàng sản xuất rất nhiều, nhưng nhìn chung giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp rất thấp, vì chúng ta sản xuất những mặt hàng mang tính tự nhiên là cơ bản, sản phẩm thô, lúa chỉ là lúa, khâu sau thu hoạch không có. Mục tiêu chỉ là làm đủ, còn sản phẩm sau qua chế biến là không có, nên chúng ta nằm ở phân khúc rất thấp của chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Đòi hỏi là phải nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, mà làm điều này thì khoa học, công nghệ phải vào khâu sau thu hoạch. Hy vọng cải thiện được chuỗi giá trị ấy, thì nâng cao được vị thế và phân khúc sẽ cao hơn, thế mới có hiệu quả.

PV – Trong khi chính sách của nhà nước luôn ưu tiên phát triển nông nghiệp, chăm lo cho người nông dân thì trên thực tế, 3 kg lúa giá không bằng 1 kg ốc bươu vàng (vốn được coi là rác thải sinh vật), điệp khúc được mùa mất giá lặp đi lặp lại hàng năm… Độ vênh từ chính sách tới thực tế đó tồn tại là vì lý do gì thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Thực ra nói độ vênh cũng có cả, nhưng mà bản chất của bài ca muôn thuở “được mùa mất giá” nó là quy luật của thị trường, nhưng nhiều lúc một số chính sách của mình can thiệp vào sản xuất nông nghiệp không kịp thời, như can thiệp vào giá lúa, thị trường…

Giờ chỉ còn cách là tổ chức lại sản xuất, lâu nay nói hỗ trợ nhưng hỗ trợ trực tiếp không được, giờ thông qua tổ chức lại nông nghiệp, tái cấu trúc lại ngành, tập trung ngành sản xuất mũi nhọn… đấy là lựa chọn duy nhất.

PV – Liệu có cần thay đổi chính sách trong việc chạy theo sản lượng, vì việc lúa, cà phê được mùa tại VN cũng làm giá các mặt hàng này của thế giới giảm?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Cần phải thay đổi, rất cần thiết, giờ phải có bài toán tính toán lại, phải tài cấu trúc lại ngành nông nghiệp, phải xác định tính hiệu quả từ thị trường. Thứ hai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả thì không thể chạy theo số lượng, mà vấn đề là phải chất lượng để nâng cao giá trị.

Để làm sao có một ngành nông nghiệp cạnh tranh, hiệu quả, thì nông dân chúng ta mới có điều kiện phát triển, nếu cứ để như hiện nay thì nông dân sẽ rất khó khăn.

Theo TS. Long, nên quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức.

Theo TS. Long, nên quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức.

Làm giàu cho… nước khác

PV – Trong những năm gần đây, các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan hàng năm nhập một số lượng lớn nông sản thô từ Việt Nam, rồi chế biến lại và bán với giá cao, thậm chí bán lại cho chính VN. Ông đánh giá như thế nào về việc “chảy máu nông sản” này?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Cái này thì quá phổ biến, thời gian qua, Trung Quốc không chỉ mua nông sản chủ yếu mà loại gì họ cũng mua.

Nó chỉ rõ thực tế khâu yếu của VN trong chế biến, nên chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị hàng hóa nông sản chúng ta đạt rất thấp. Phần giá trị sau sản phẩm thô, giá trị chế biến là nước ngoài thu lợi hoàn toàn.

Và sau đó chính VN lại đang phải nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của chính mình với giá cao hơn, sau khi các nước chế biến và xuất ngược lại cho VN.

PV – Để xảy ra tình trạng như vậy, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Tôi cho rằng đây là trách nhiệm từ nhiều phía, trước tiên là từ định hướng chính sách của nhà nước, chính sách đầu tư chiều sâu, phải có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp. Chuyển mô hình tăng trưởng theo chiều sâu chứ không phải tăng trưởng theo chiều rộng nữa.

Đấy là chiến lược của khoa học công nghệ, chiến lược của phát triển. Phải đầu tư vào chế biến sau thu hoạch. Nhà khoa học, doanh nghiệp phải là đầu tàu đi vào những lĩnh vực đó để giúp người nông dân.

PV – Trong suốt những năm qua, nhà nước cũng đã đổ không ít tiền vào nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp nhưng hiệu quả mang lại thì gần như không nhìn thấy gì: từ công nghệ giống đến công nghệ sau thu hoạch… Là một chuyên gia về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, ông lý giải như thế nào về thực trạng trên?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Đấy là chính sách và đầu tư cho khoa học chưa thỏa đáng, có đầu tư nhưng đầu tư nhỏ giọt, dàn đều, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp, đầu tư như vậy cũng chẳng đi tới đâu cả.

PV – Hiện tại, đang có sự cạnh tranh về giá trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là lúa gạo của chính những doanh nghiệp trong nước, làm giá nông sản Việt Nam giảm, trong khi những doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Ông nghĩ sao về thực tế này?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Các doanh nghiệp VN chưa tạo được sân chơi lành mạnh, không đàng hoàng, buôn bán mạng tích chộp giật nên ảnh hưởng ngay trong nước chứ chưa nói tới xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chỉ lo cho lợi ích của mình là trên hết, gây ảnh hưởng cho sản xuất trong nước.

PV – Để ngành nông nghiệp gặp khó khăn, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan bị Thủ tướng cách chức. Theo ông, có nên học hỏi kinh nghiệm của nước bạn, quy trách nhiệm cụ thể cho những người đứng đầu, để nông dân không mãi duy trì tình trạng người gánh hậu quả như hiện nay không?

PGS.TS. Nguyễn Đình Long: Theo tôi, mọi vấn đề mà quy được trách nhiệm rõ ràng, cụ thể là điều rất tốt, nên chúng ta xác định được trách nhiệm của ai, cơ quan nào, trách nhiệm tới đâu để tập trung cho điều hành, sản xuất tốt hơn thì đấy là điều rất tốt.

PV – Xin cảm ơn ông!

BTV
Theo nguoiduatin.vn