Nông thôn Việt Nam: Nghèo vì tư duy xơ cứng
- Thứ năm - 08/08/2013 20:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thế mạnh của nông nghiệp chỉ phát huy khi rào cản tư duy được dỡ bỏ
Thêm vào đó, trong khi các mặt hàng khác, đặc biệt là những sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… đều có xu hướng tăng giá, thì các mặt hàng lương thực, thực phẩm lại giảm. Cụ thể, bình quân 7 tháng đầu năm nay so với 7 tháng đầu năm 2012, giá thực phẩm chỉ tăng 1,82%. Giá các sản phẩm chăn nuôi như lợn, trâu bò và các mặt hàng thủy sản đều giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng chung trong CPI, thậm chí các sản phẩm chăn nuôi như lợn, bò, gà… còn giảm gần 10% so với năm trước. Giá gạo đang có xu hướng tăng nhờ kế hoạch mua tạm trữ 500.000 tấn gạo Hè Thu (trong thời gian từ ngày 10/7 đến 10/8), song áp lực giảm giá gạo vẫn lớn khi nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch mới…
Theo tính toán của các chuyên gia, kể cả khi tính đủ 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, thì mỗi năm mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ lãi bình quân 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317.000 đồng/tháng) – một con số quá khiêm tốn, vì còn dưới cả ngưỡng nghèo (400.000 đồng/tháng).
Trong khi đó, người nông dân Việt Nam rất năng động và không ngại thay đổi. Đó chính là khía cạnh tích cực của việc mau mắn đốn cây, lấp ao hoặc ngược lại để trồng một loại cây khác, nuôi một loại gia súc gia cầm khác đang được giá, dù rằng đây là việc làm không nên khuyến khích, nếu chỉ xuất phát từ một động thái thị trường nhất thời, không bền vững.
Đã có chiến lược, thậm chí không ít đề án hướng đến mục tiêu tốt đẹp là tạo cho người nông dân cơ hội được hưởng thu nhập xứng đáng hơn, song vẫn còn đó không ít rào cản, mà lớn nhất lại là “vô hình”: rào cản tư duy. An ninh lương thực rất quan trọng, nhưng năng lực sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã vào loại nhất nhì thế giới (chất lượng lúa gạo là vấn đề khác chưa bàn), khẩu phần ăn đã thay đổi đáng kể theo hướng giảm lương thực. Hơn nữa, với độ mở cao của thị trường quốc tế hiện nay, trong trường hợp thật sự cần thiết thì việc nhập khẩu lương thực cũng sẽ nhanh chóng và không quá khó khăn.
Philippines có 40% dân số là nông dân. Nông sản chính của họ là bắp, chuối, dừa, mía, xoài… với giá trị xuất khẩu cao, nên mặc dù vẫn phải nhập gạo, song thu nhập của người nông dân ở mức khá giả. Đã đến lúc phải tính đến một cơ cấu cây trồng hợp lý hơn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn thay vì giữ “cứng” thế độc canh cây lúa.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng từ sản xuất – chế biến – xuất khẩu bao gồm toàn bộ các hoạt động phục vụ nông nghiệp như: sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn gia súc, cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất con giống, khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, khuyến nông… cho đến logistics đều phải được tổ chức lại một cách khoa học để tiết kiệm chi phí và đem lại giá trị gia tăng lớn nhất có thể.
Đây là việc không chỉ là “nên làm” mà cần phải làm, bởi lẽ Việt Nam vẫn chưa hội đủ các điều kiện để có thể cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong các ngành công nghệ cao – vốn cần đến những khoản đầu tư rất lớn, trình độ dân trí cao, lực lượng lao động có tay nghề thành thục.
Cẩm Hà
Theo dddn.com.vn
Theo dddn.com.vn