Nữ doanh nhân với bí quyết nâng cao thương hiệu "Gà đồi Yên Thế"
- Thứ tư - 31/07/2013 03:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bà Tâm sớm trở thành công nhân của nông trường chè Yên Thế. Năm 1996, bà mạnh dạn mở doanh nghiệp tư nhân để hỗ trợ anh chị em công nhân trong nông trường đóng hộp tiêu thụ sản phẩm chè. Một thời gian sau, ngành chè gặp nhiều khó khăn và đến năm 2006 thì nông trường giải thể. Lo lắng cho cuộc sống của bản thân và 59 anh chị em công nhân khiến bà Tâm không nguôi nghĩ hướng làm kinh tế mới.
Nhận thấy địa phương có vườn đồi rộng, nhu cầu chăn nuôi gà của người dân lớn nên bà nảy ra ý tưởng phát triển ngành chăn nuôi gia cầm. Sự quyết tâm cùng bản lĩnh dám nghĩ dám làm của bà đã "khai sinh" ra Công ty cổ phần Giang Sơn vào ngày 31/8/2006, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2007.
Ban đầu, bà tận dụng xưởng gỗ cũ của gia đình và sắm sửa thêm máy móc, trang thiết bị phát triển thành khu chăn nuôi gà tập trung. Công ty có 65 công nhân, đều là những hộ chăn nuôi quy mô từ vài trăm con/hộ/năm. Để ổn định tâm lý công nhân cùng suy nghĩ "muốn có đầu ra cho sản phẩm phải đi tìm thị trường thực tế", năm 2009, bà cùng hai con trai lên đường đi Hà Giang. Tại đây, bà đã tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm đầu tiên cho công ty là những doanh nghiệp nhỏ lẻ và thành lập được tổ bán hàng tại Hà Giang với 10 thành viên. Cùng đó, bà liên hệ với UBND huyện Yên Thế để được hỗ trợ vốn, tiến bộ kỹ thuật. Nhờ tích cực tham gia hội thảo, hội nghị tập huấn, các thành viên của công ty đã dần nâng cao nhận thức, trình độ về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm tập trung hiệu quả cao, trong đó chú trọng tới phát triển gà thịt lông màu.
Không dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bà Tâm còn mở rộng phát triển công nghệ giết mổ gà thịt. Ngày 15/11/2012, được sự giúp đỡ của UBND huyện Yên Thế, Công ty cổ phần Giang Sơn chính thức khai trương cơ sở giết mổ gà đồi tập trung với công nghệ lắp đặt dây chuyền chế biến giết mổ hiện đại, được các đơn vị, nhà nước hỗ trợ đầu tư với quy mô giết mổ 2.500 con/ngày.
Trải qua nhiều năm hoạt động với không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng không đứng vững do ảnh hưởng của gà nhập lậu khiến người chăn nuôi lỗ nặng, song với quyết tâm cao của vị nữ giám đốc, sự đồng tình ủng hộ của anh chị em công nhân, Công ty cổ phần Giang Sơn đã từng bước đi lên và tìm được chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Hiện, Công ty cổ phần Giang Sơn có 100 công nhân, tập trung phát triển chăn nuôi cả gà lông và gà thịt, quy mô khoảng 2.000 con/hộ/năm, hoạt động theo phương thức khoán sản phẩm hoặc liên doanh. Theo đó, công ty chỉ hỗ trợ một phần giống, thức ăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân, sau đó tổ chức giết mổ tập trung tại một cơ sở rồi cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn ra thị trường.
Hiện, Công ty cổ phần Giang Sơn có khoảng 20 điểm tiêu thụ sản phẩm ổn định, trong đó có các hệ thống siêu thị lớn có uy tín như Metro, Fivimart, BigC…, riêng siêu thị Fivimart đã mua sản phẩm của công ty với một giá bình ổn từ nay đến tháng 4/2014. Ước tính, trung bình mỗi ngày công ty có từ 2-3 xe vận chuyển gà lông và gà thịt đi xuất bán với hàng trăm tấn gà, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết, thứ nhất, thành công phải bắt nguồn từ sự tâm huyết với nghề. Sản phẩm gà đồi đến được với nhiều người tiêu dùng là do chất lượng đã được khẳng định bởi thương hiệu "Gà đồi Yên Thế".
Thứ hai, người đầu tư phải mạnh dạn, biết chấp nhận lỗ để có thể đưa sản phẩm vào được thị trường lớn. Ví như ban đầu công ty đưa sản phẩm gà đồi vào siêu thị với giá chỉ đủ công cho người chăn nuôi, có lúc còn lỗ (như thời điểm gà nhập lậu nhiều), nhưng khi sản phẩm được nhiều người biết đến thì các siêu thị sẽ tự tìm đến công ty để ký kết hợp đồng.
Thứ ba là phải tìm hiểu thị hiếu của từng loại thị trường, tùy từng thị trường mà lựa chọn sản phẩm cung cấp cho phù hợp. Cụ thể như ở thị trường Hà Nội, công ty thường dùng gà trọng lượng khoảng 1,8 kg/con, còn tại thị trường Bắc Ninh, người dân lại ưa thích gà có trọng lượng lớn hơn.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chọn được con giống tốt và bảo đảm yếu tố vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay, người tiêu dùng vẫn ưa thích gà lông hơn gà thịt nên sắp tới, công ty sẽ tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gà thịt hơn nữa, chú trọng vào các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Dự kiến sau 2 năm nữa, công ty sẽ đưa công nghệ giết mổ gia cầm tập trung vào cụm khu công nghiệp huyện Yên Thế, làm nền tảng để góp phần đưa thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" của tỉnh Bắc Giang vươn xa hơn nữa.
Thanh Phúc
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn