Nuôi tôm bền vững: Quy hoạch phải chất lượng và đi vào thực tiễn

Nuôi tôm bền vững: Quy hoạch phải chất lượng và đi vào thực tiễn
- Để nuôi tôm bền vững, quy hoạch cần đi trước một bước. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch trong nuôi tôm ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Để hiểu hơn về vấn đề này, TSVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Kinh tế & Quy hoạch Thủy sản.

Diện tích nuôi tôm chủ yếu vẫn là tự phát, quá mức và chưa theo quy hoạch; hay nói cách khác, quy hoạch vùng nuôi tôm không theo kịp diện tích nuôi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo, xây dựng dựng các quy hoạch và đề án trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, như: Quyết định  10/2006/QĐ-TTg 11/1/2006 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định 1690/2010/QĐ-TTg 16/9/2010 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Quyết định  332/2011/QĐ-TTg 3/3/2011 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Đồng thời, hầu hết các tỉnh ven biển đã triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản của tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một bản quy hoạch đối tượng cho tôm nước lợ cả nước, và hầu hết các tỉnh ven biển cũng chưa có quy hoạch chi tiết cho vùng nuôi tôm nước lợ. Đây là mặt hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ. Do đó, cần sớm xây dựng quy hoạch nuôi tôm nước lợ cho cả nước, trên cơ sở đó sẽ xây dựng quy hoạch nuôi tôm nước lợ cho các tỉnh, thành ven biển. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý đối tượng nuôi chủ lực này. Ngoài ra, cần sớm triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch, thì quy hoạch mới đi vào thực tiễn sản xuất.

 

Quản lý môi trường ao nuôi của người dân còn nhiều bất cập - Ảnh: Thanh Nhã                        

 

Những năm gần đây, dịch bệnh tôm liên tục diễn ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu do quy hoạch thủy lợi trong nuôi trồng thủy sản nước ta còn yếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu hoặc chưa có (ở một số vùng); theo ông thì có như vậy không?

Đúng như vậy. Những năm gần đây, dịch bệnh tôm liên tục diễn ra, nhất là ở những vùng nuôi tôm tập trung. Dịch bệnh thường xuyên diễn ra do nhiều nguyên nhân: Chất lượng con giống không tốt, bản thân con giống đã mang mầm bệnh nhưng vẫn được sử dụng để thả nuôi, dẫn đến bùng phát dịch bệnh trong quá trình nuôi. Việc quản lý môi trường ao nuôi của người nuôi còn nhiều bất cập, dẫn đến môi trường nước ao bị ô nhiễm, sức khỏe tôm nuôi giảm, bùng phát dịch bệnh. Công tác quản lý vùng nuôi ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Nhưng nguyên nhân chính là do các vùng nuôi không được quy hoạch đồng bộ, nhất là lĩnh vực quy hoạch thủy lợi (cấp thoát nước riêng biệt). Nhiều vùng nuôi chỉ có một kênh cấp, đồng thời là kênh thoát. Khi ao nuôi bị bệnh, người nuôi không xử lý hoặc xử lý qua ao bệnh và sau đó thải thẳng nước ra kênh cấp, đây lại chính là nguồn nước cấp của các hộ nuôi trong vùng. Khi các hộ khác lấy nước vào ao nuôi sẽ gây lây lan dịch bệnh. Mặt khác, các vùng nuôi lấy nước và làm sạch nguồn nước trong kênh mương dựa vào chế độ thủy triều. Tuy nhiên, có nhiều vùng nuôi với diện tích lớn, cách xa biển nên khi thủy triều xuống nước trong kênh mương chưa rút hết ra ngoài thì thủy triều lại lên và đẩy nguồn nước đó trở lại.

Lâu nay vẫn chú trọng đầu tư cho thủy lợi, nông nghiệp, rất ít đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi tôm nước lợ tập trung, trong khi giá trị mang lại từ tôm nước lợ không nhỏ. Hệ thống thủy lợi cho thủy sản khác hệ thống thủy lợi cho nông nghiệp, nên rất khó vận hành chung. Nhà nước cần đầu tư hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm cho vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, để giải quyết căn cơ vấn đề dịch bệnh tôm nước lợ.

 

Đã có quy hoạch vùng nuôi sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT) song ở một số tỉnh người dân vẫn nuôi kết hợp hai loại tôm, theo ông tình trạng này sẽ xảy ra vấn đề gì?

Hiện chỉ có một vài tỉnh ven biển có quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ. Ví dụ: ở tỉnh Bến Tre có quy hoạch nuôi chi tiết nuôi TTCT, nhưng về giải pháp quy hoạch thì sẽ quy hoạch vùng nuôi TTCT trên nền đất nuôi tôm sú kém hiệu quả hoặc quy hoạch vùng đất chuyên nuôi TTCT, vùng quy hoạch nuôi TTCT cho phép nuôi tôm sú. Cũng ở tỉnh này, vụ 1 nuôi tôm sú, vụ 2 nuôi TTCT có hiệu quả. Cũng chưa có minh chứng nào cho việc mầm bệnh từ TTCT lây sang tôm sú.

 

TTCT đang phát triển mạnh. Ở nước ta, theo ông, có thể quy hoạch thành vùng chuyên nuôi TTCT không?

Xây dựng quy hoạch các vùng chuyên nuôi TTCT trên quy mô toàn quốc là cần thiết. Việc quy hoạch các vùng chuyên nuôi TTCT sẽ giúp quản lý tốt vùng nuôi, tạo ra vùng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc.

Quy hoạch vùng chuyên nuôi TTCT sẽ giúp hạn chế và kiểm soát việc lây lan dịch bệnh.

Phát triển mạnh nuôi TTCT là xu thế tất yếu, vì TTCT có nhiều ưu thế so với tôm sú, như: thời gian thu hoạch ngắn, mau lớn, nuôi được mật độ cao, rộng muối… Theo tôi, cần có quy hoạch vùng chuyên nuôi TTCT ở những tỉnh, thành có điều kiện phát triển nuôi TTCT. Với TTCT, hình thức nuôi phải là thâm canh; không thể nuôi quảng canh cải tiến tràn lan được.

 

Quy hoạch được xem là "gốc" trong nuôi tôm bền vững. Vậy theo ông, để xây dựng "gốc" này,  chúng ta cần làm gì?

Theo tôi, chúng ta cần làm những việc sau: Quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải chất lượng và đi vào thực tiễn. Quy hoạch chất lượng là một bản quy hoạch cần đánh giá tốt tiềm năng phát triển, hiện trạng và dự báo được nhu cầu thị trường trong giai đoạn tiếp theo. Quy hoạch phải có những quan điểm, định hướng rõ ràng, có mục tiêu khả thi, phù hợp chủ trương của Nhà nước và mang tính khoa học cao. Qua đó đưa ra phương án và giải pháp cụ thể để thực hiện quy hoạch; Khi có bản quy hoạch ra đời, cần sớm triển khai và thực hiện tốt quy hoạch theo phân cấp quản lý; kiểm tra, giám sát sau quy hoạch. Thường xuyên cập nhật, bổ sung quy hoạch nếu có yếu tố mới phát sinh.