Phát triển điện bã mía: Cần cơ chế đặc thù
- Thứ tư - 24/07/2013 06:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn điện
Theo dự báo của EVN, nước ta vẫn phải đối diện với nguy cơ thiếu điện trong nhiều năm tới, nhất là giai đoạn 2015-2020 trở đi sẽ hết sức trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam thường xuyên phải mua điện của Trung Quốc; mặt khác, vẫn phải sử dụng than, dầu để chạy các nhà máy phát điện, khiến chi phí cao và suy kiệt tài nguyên hóa thạch. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch và tái tạo (gồm năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh khối…) nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giảm thải hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ngành mía đường ngày nay không chỉ sản xuất đường mà còn tham gia ngày càng nhiều vào quá trình phát triển năng lượng thông qua các chương trình điện đồng phát bã mía và cồn nhiên liệu. Các dự án điện đồng phát từ bã mía là dự án năng lượng tái tạo nằm trong danh mục lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được ban hành kèm theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP. Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng quốc gia. Trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2020, nguồn điện từ bã mía đồng phát điện tại các nhà máy đường đạt tổng công suất 500MW, đến năm 2030 đạt 2.000MW.
Theo ông Lộc, do thiếu cơ chế, đến nay, mới có 6 dự án đồng phát điện bã mía hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng công suất 76,5 MW/năm. Một là, dự án phát điện bã mía của Nhà máy Đường SBT ở xã Tân Hưng (Tân Châu - Tây Ninh), công suất thiết kế 12MW, vốn đầu tư 12,6 triệu USD, sử dụng Turbine generator nhập khẩu từ Australia và châu Âu. Đến nay, nhà máy này đã bán điện cho EVN với tổng lượng điện đưa lên lưới là 50 triệu kWh, được EVN trả giá 917 đồng/kWh. Hai là, dự án của Nhà máy Đường AYUNPA Gia Lai, công suất thiết kế 12MW/năm, sử dụng Turbine generator đối áp được cung cấp bởi Trung Quốc, tổng mức đầu tư 7,5 triệu USD. Đến nay, lượng điện đã đưa lên lưới của nhà máy này đạt 15,5 triệu kWh, với giá mua 1.024 đồng/kWh. Ba là, dự án điện bã mía Ninh Hòa (Khánh Hòa), công suất thiết kế 9MW, vốn đầu tư 4,65 triệu USD. Đến nay, đã bán được cho EVN 5,56 triệu kWh với giá 603 đồng/kWh. Bốn là, dự án điện bã mía Cam Ranh ở Diên Khánh (Khánh Hòa), công suất thiết kế 25MW, lắp đặt Turbine đối áp do Đức sản xuất, tổng vốn đầu tư 7,05 triệu USD, đã đưa lên lưới điện quốc gia 18,5 triệu kWh với giá bán 680 đồng/kWh. Năm là, dự án điện của Nhà máy Đường Sóc Trăng, công suất 6MW/năm, sử dụng Turbine đối áp nhập khẩu từ Trung Quốc, đã đưa lên lưới 9,5 triệu kWh nhưng chỉ được trả 666 đồng/kWh. Sáu là, dự án của Nhà máy Đường Lam Sơn (Thanh Hóa), sử dụng Turbine ngưng tụ trích do Ấn Độ cung cấp với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD, công suất thiết kế 12,5MW/năm. Mặc dù đã hoàn thành thế nhưng đến nay Nhà máy Điện Lam Sơn vẫn chưa ký được giá bán điện với EVN.
Cần cơ chế ưu đãi đặc thù
Tính toán hiệu quả kinh tế của các dự án điện chạy bằng bã mía thấy, tổng mức đầu tư cho 6 dự án là 50 triệu USD, tổng công suất điện 76 5MW, tính ra suất đầu tư bình quân là 715.000 USD/MW. Chỉ có 2 dự án có chi phí khấu hao 10 năm thấp hơn giá bán. Do khó khăn về nguồn vốn, hầu hết các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, lò hơi áp lực thấp dưới 45 ata và turbine đối áp dẫn đến suất sinh năng lượng thấp, chỉ ở mức 30 kWh/tấn bã mía. Trong khi trên thế giới hiện nay, hệ thống máy phát điện bã mía chủ yếu áp dụng công nghệ lò hơi cao áp trên dưới 100 ata. Với giá bán điện bình quân hiện nay chỉ 778 đồng/kWh (tương đương 3,73 cent) thì hầu hết các dự án điện đều thua lỗ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai các dự án khác còn chậm.
Chính vì vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện đồng phát từ bã mía. Để đưa điện lên lưới, yêu cầu EVN không giới hạn công suất các dự án đồng phát điện bã mía. Bên mua điện phải có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện bã mía nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý. Với giá mua điện hiện nay thì chưa đủ bù chi phí. Giá bán điện ít nhất phải 8 cent/kWh thì phát điện bã mía mới có lãi. Tất cả các quốc gia phát triển điện bã mía đều có cơ chế hỗ trợ về giá bán điện lên lưới. Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị, trước mắt xin được cơ chế hỗ trợ giá mua điện từ bã mía tương tự như cơ chế áp dụng cho điện gió. Nhà nước cũng cần có cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí. Các dự án điện bã mía đồng phát điện cần được hưởng các ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Kiến nghị miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị máy móc lò hơi, turbine để lắp đặt cho các nhà máy phát điện. Ngoài ra, ngành điện cần hỗ trợ đường dây và trạm biến áp để đấu nối từ các nhà máy điện bã mía với lưới điện quốc gia
Ông Lộc nhấn mạnh: “Triển khai dự án điện đồng phát bã mía theo quy hoạch đã phê duyệt của Chính phủ là nghĩa vụ của doanh nghiệp mía đường trong phát triển năng lượng quốc gia và xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp”.
Chu Khôi
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn