Quy hoạch nông thôn mới cần tiến tới liên kết vùng

Quy hoạch nông thôn mới cần tiến tới liên kết vùng
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những chương trình mới chưa có tiền lệ, vì thế các địa phương còn lúng túng khi thực hiện, đặc biệt là công tác quy hoạch... Trong đó, tiến tới liên kết vùng là một trong những yếu tố quan trọng...

Để hỗ trợ cho địa phương trong công tác lập và xét duyệt quy hoạch, UBND tỉnh đã thành lập tổ chuyên viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh. Đến cuối năm 2011, tất cả huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và Ban Phát triển ấp. Trong 2 năm, tỉnh đã mở 109 lớp tập huấn về chương trình xây dựng NTM cho cán bộ phụ trách các cấp. Theo đó, các ngành hữu quan chủ động triển khai các văn bản hướng dẫn cũng như quy trình lập quy hoạch đến các địa phương để thực hiện, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, hướng dẫn cho các địa phương thuận lợi triển khai.

Theo thống kê, có 16 đơn vị tư vấn tham gia thực hiện 119 quy hoạch NTM trên toàn tỉnh (bình quân 7,5 đồ án/đơn vị tư vấn). Đến tháng 7/2013, đã có 119 đồ án được duyệt (100% số xã có quy hoạch NTM được duyệt). Tuy nhiên, theo đánh giá của chủ đầu tư về năng lực tư vấn, đạt loại tốt có 51 đồ án, trung bình là 62 đồ án, chưa tốt 6 đồ án.

Ông Võ Thanh Dũng - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chia sẻ: “So với chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặt ra thì công tác lập quy hoạch NTM cấp xã hoàn thành chậm hơn đến 1,5 năm. Chất lượng quy hoạch lộ rõ ra những bất cập, chênh lệch khá lớn giữa các quy hoạch, nội dung chưa thể hiện rõ nét đặc trưng riêng; thiếu sự liên kết giữa các xã lân cận về hệ thống cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phát triển sản xuất nông nghiệp; tiến độ công bố, thực hiện quy hoạch còn quá chậm và hiệu quả chưa cao...”.

Nguyên nhân do các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chậm, lại thay đổi, thiếu sự đồng bộ dẫn đến tình trạng lúng túng, khó định hướng tại nhiều xã, đội ngũ những người làm công tác quy hoạch cấp xã còn thiếu và yếu; đơn vị tư vấn ít, chưa đủ mạnh. Theo đó, một số địa phương còn coi nhẹ quy hoạch, xem công tác quy hoạch là nhiệm vụ của cấp trên nên còn tâm lý trông chờ, thụ động; thiếu quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia ngay từ đầu khi thiết lập quy hoạch...

Tại buổi họp sơ kết 3 năm thực hiện công tác lập quy hoạch NTM, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Quy hoạch xây dựng NTM là nội dung mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực hiện nên hệ thống văn bản hướng dẫn, bộ tiêu chí quy hoạch còn thiếu, không đồng bộ, chậm ban hành. Từ đó dẫn đến sự lúng túng trong công tác tổ chức lập quy hoạch của các cấp, ngành và cả đơn vị tư vấn.

Quy hoạch NTM không cầu toàn, nhưng phải có trọng tâm trọng điểm theo đặc điểm tình hình của từng địa phương. Theo đó, các địa phương cần cập nhật, bổ sung những nội dung quan trọng về các mô hình tổ chức sản xuất mang tính đột phá gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, liên kết vùng nguyên liệu, kết nối hạ tầng kinh tế xã hội các xã lân cận...”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung đầu tư vào những xã có khả năng hoàn thành sớm các tiêu chí. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh: “Cần tăng mức đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn theo quy hoạch NTM đối với những xã có khả năng hoàn thành trước, để từ đó các địa phương khác nhận diện hình ảnh NTM, rút kinh nghiệm, phấn đấu hoàn thành. Nếu cứ phải đầu tư dàn trải để các xã cùng về đích thì rất khó...”.

 

Theo ĐTO