Sẽ thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm

Bộ NNPTNT vừa được Chính phủ giao xây dựng Đề án bảo vệ rừng ven biển giai đoạn 2014-2020, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2014. Theo đó, sẽ có khoảng 60.000-70.000 ha rừng được trồng mới.
 
Ông Nguyễn Bá Ngãi. Ảnh: VGP/Hương Dung
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã có cuộc trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ về Đề án này.

Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể của Đề án?

Ông Nguyễn Bá Ngãi:Thực tế, từ năm 2008, Bộ NNPTNT đã xây dựng Đề án “Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển giai đoạn 2008-2015” với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển với quy mô và chất lượng đảm bảo phòng chống thiên tai cho hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần ổn định phát triển bền vững kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển. Tuy nhiên, Đề án nói trên đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ thì lớn, song các giải pháp, chính sách để thực hiện lại chưa được triển khai đầy đủ, thiếu nguồn lực nên kết quả thực hiện còn hạn chế, đặc biệt là việc trồng rừng và bảo vệ rừng ven biển.

Chính vì vậy, hiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020”, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2014. Theo đó, sẽ có khoảng 60.000-70.000 ha rừng được trồng mới.

Hiện nay, nhiều diện tích rừng ven biển, rừng ngập mặn đã bị lấn chiếm để đào ao nuôi tôm, thả cá. Vậy sắp tới những diện tích này sẽ được xử lý thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Ngãi: Theo Quyết định 186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng, thì các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 40% diện tích đất không có rừng trên đất rừng ngập mặn để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp (vừa trồng rừng và nuôi trồng thủy sản).

Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Viện Điều tra quy hoạch rừng năm 2012, tổng dân số các xã vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long là gần 900.000 người, chiếm khoảng 5% tổng số dân của toàn vùng nhưng diện tích rừng ngập mặn nơi họ sinh sống chỉ chiếm 2% diện tích đất tự nhiên. Ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, bình quân mỗi hộ dân chỉ được nhận khoán từ 1-3 héc ta.

Chình vì vậy, do sức ép đất sản xuất lớn nên tại nhiều địa phương có tình trạng sử dụng đất rừng chưa đúng mục đích hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngập mặn sang mục đích khác. Có những tỉnh việc sử dụng rừng lại ngược với quy hoạch (nghĩa là 6 phần cho nuôi trồng thủy sản và 4 phần là rừng).

Chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi đất lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định theo Luật Đất đai và khôi phục theo tỉ lệ 40% diện tích đất nuôi trồng thủy sản và 60% đất rừng.

Thưa ông, việc tiến hành thu hồi các diện tích đất (dù là lấn chiếm trái phép), cũng không hề dễ dàng. Vậy Bộ chủ trương tiến hành việc thu hồi như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Ngãi: Ta cũng cần hiểu rằng người dân không thể phá rừng để đào ao nuôi tôm, thả cá trên toàn bộ diện tích mà họ có mà trong quá trình nuôi trồng thủy sản họ chỉ lấn chiếm một phần diện tích nào đó.

Do vậy, biện pháp mà chúng tôi sử dụng chủ yếu là tuyên truyền, thuyết phục để họ không tái diễn việc lấn chiếm và yêu cầu từng bước phục hồi diện tích rừng mà họ lấn chiếm. Chỉ những trường hợp không chấp hành quy định mới tiến hành cưỡng chế.

Hơn nữa, Nhà nước không có trách nhiệm trồng lại diện tích rừng ngập mặn đó mà chính những người lấn chiếm phải trồng lại. Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ họ nuôi trồng thủy sản và chọn cây có năng suất cao để tăng thu nhập từ rừng.

Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho người dân để quản lý, bảo vệ và kết hợp sản xuất.

Kinh phí dự kiến cho đề án giai đoạn 2015-2020 này là bao nhiêu, thưa ông? Người dân, doanh nghiệp có được tham gia đấu thầu trồng rừng không?

Ông Nguyễn Bá Ngãi: Đề án phục hồi rừng ven biển giai đoạn 2015-2020 có những giải pháp kỹ thuật cao và yêu cầu chi phí cực lớn. Tổng kinh phí thực hiện Đề án ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 1.000 tỉ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu huy động từ nguồn vốn vay ODA, từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa trồng rừng.

Về tham gia trồng rừng, theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh thì các doanh nghiệp, người dân có thể tham gia đấu thầu các dự án trồng rừng này.

Song, do đây là rừng phòng hộ nên hình thức tham gia chủ yếu vẫn là doanh nghiệp và người dân tham gia bảo vệ rừng ven biển.

Doanh nghiệp là các công ty du lịch sinh thái kinh doanh trên diện tích rừng đó sẽ được hưởng lợi từ cảnh quan mà rừng mang lại đồng thời họ phải có trách nhiệm bảo vệ rừng diện tích rừng đó.

Đối với người dân địa phương sẽ tham gia bảo vệ rừng và thu lợi từ rừng bao gồm phí quản lý rừng và hưởng lợi từ các sản phẩm của rừng như lâm sản ngoài gỗ, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng…

Xin cảm ơn ông!

Hương Dung
Nguồn baodientu.chinhphu.vn