Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước
- Chủ nhật - 28/06/2015 23:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để quản lý các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước (Thông tư 86); quyết toán dự án hoàn thành (Thông tư 11); quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ (Thông tư 05)...
Tuy nhiên đại diện Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cũng cho biết, Thông tư 86/2011 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước quy định khi tạm ứng không bắt buộc phải có bảo lãnh. Việc thu hồi hết vốn tạm ứng chỉ được thực hiện khi giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Do đó, nhà thầu có thể nhanh chóng được tiếp cận vốn tạm ứng, song lại chỉ chịu sự thẩm định của chủ đầu tư, mà nếu là những doanh nghiệp sân sau thì sự thẩm định này phần nhiều sẽ chỉ mang tính chiếu lệ. Nói cách khác, nguồn vốn tạm ứng này rất dễ bị nhà thầu chiếm dụng, ngân sách nhà nước không được sử dụng hiệu quả.
Ngay cả Thông tư 05 ban hành năm 2014 về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ cũng đang cho thấy nhiều hạn chế, dù đã giúp các ban quản lý tự chủ và chủ động hơn trong chi tiêu. Bởi Thông tư này mới đề cập đến việc phân cấp quản lý, sử dụng các khoản thu cho ban quản lý, nhưng lại chưa đề ra ranh giới trong sử dụng ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ. Do đó, cơ quan quản lý đã không có căn cứ để thực hiện phân bổ chi phí quản lý dự án vào giá trị khối lượng thực hiện trong năm, cũng như khó có thể kịp thời chấn chỉnh sai phạm.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) và các Nghị định kèm theo đều có nhiều quy định nhằm bảo đảm đầu tư công được thực hiện chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả hơn. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ Tài chính đang triển khai sửa đổi, bổ sung một loạt cơ chế trong quản lý, thanh toán, quyết toán vốn tại các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước được quy định tại các Thông tư nói trên. Trong đó, trên cơ sở quy định tại Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ thống nhất một cơ chế tài chính chung cho tất cả các ban quản lý dự án, với nguồn thu - chi rõ ràng. Đặc biệt, để giảm thiểu tối đa việc chi sai, chi thiếu, thông tư mới sẽ quy định trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong thẩm tra dự toán chi phí hàng năm; quy định chi phí ban quản lý dự án được quyết toán hàng năm để phân bổ vào các dự án đầu tư.
Việc tạm ứng theo hợp đồng cũng sẽ được thắt chặt về điều kiện và thời gian thu hồi, nhất là bắt buộc phải thực hiện bảo lãnh với các giá trị tạm ứng trên 1 tỷ đồng. Khi tạm ứng vốn, công trình phải có mặt bằng xây dựng được bàn giao một phần hoặc toàn bộ để tránh trường hợp khi tạm ứng xây lắp nhưng chưa có mặt bằng thi công. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước cũng được tăng lên trong việc đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn cho nhà thầu, cũng như trong việc thu hồi vốn tạm ứng không được sử dụng đúng mục đích, góp phần hạn chế tiêu cực trong quyết toán dự án hoàn thành.
Ngoài ra, trong việc quyết toán với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn theo hướng hợp nhất Thông tư 04/2014 về quy trình quyết toán và Thông tư số 19/2011 về nội dung quyết toán. Tại dự thảo Thông tư này sẽ tiếp tục cụ thể hóa phân cấp trong thẩm quyền phê duyệt quyết toán theo Nghị định số 32 của Chính phủ. Theo đó, một mặt làm rõ quy định cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư, mặt khác quy định rõ thẩm quyền phê duyệt quyết toán của cơ quan cấp trên của chủ đầu tư cũng như chủ đầu tư.
Việc sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính được kỳ vọng hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Và như thế, tinh thần tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính và cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công của các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được thực thi trong thực tế.