Sớm chốt các vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai

Sớm chốt các vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai
Trong phiên khai mạc sáng 10.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành phần lớn thời gian đánh giá về kỳ họp thứ 5, cũng như về chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong kỳ họp thứ 6 sắp tới nếu chỉ dành 0,5 ngày thảo luận ở tổ là quá ít trong khi dành tới 2 ngày tại hội trường. “Thảo luận ở tổ thì sẽ thu nhận được nhiều ý kiến hơn là thảo luận tại hội trường, do đó nên dành nhiều thời gian hơn. Có thể tăng lên 1 ngày thảo luận ở tổ, 1,5 ngày thảo luận tại hội trường”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bố trí lại thời gian thảo luận tại hội trường Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá: Kỳ họp thứ 6 có khối lượng công việc nặng nề trong khi thời gian không còn nhiều. Vì thế, đề nghị Chính phủ phải có ý kiến để các bộ chuẩn bị các dự án tốt hơn, tránh tình trạng đến tháng khai mạc kỳ họp mới gửi tài liệu sang Quốc hội.

“Kỳ họp thứ 5 vừa rồi cũng thế, sắp tới kỳ họp rồi ban soạn thảo mới gửi tài liệu để các ĐBQH nghiên cứu”- ông Lý nhận xét. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, chương trình chỉ dành 2,5 ngày để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quá ít.

“Theo tôi phải có một kỳ họp riêng về Hiến pháp, hoặc nếu không phải dành ít nhất 5 ngày. Chứ nếu để thế này thì phát biểu xong rồi cũng không giải quyết vấn đề gì. Ngoài ra, cũng phải bố trí lại thời gian thảo luận tổ, hội trường. Thời gian thảo luận phải ở đầu kỳ họp để có thời gian tiếp thu chỉnh lý, cuối kỳ mới thông qua được” - ông Lý yêu cầu.

Khá thẳng thắn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn góp ý, một trong những hạn chế kỳ họp thứ 5 mà báo cáo chưa đề cập là số ĐB vắng mặt còn nhiều, nhất là ở các cuộc thảo luận tổ. “Có tổ có tới 30 - 40 người mà nhiều buổi thảo luận chỉ có 10 người” - Phó Chủ tịch nêu. Ông cũng cho rằng về nội dung thảo luận về vấn đề nhân sự cũng cần phải cân nhắc lại khi không cho báo chí tham dự. “Vấn đề này không thuộc phạm vi bí mật quốc gia, vì thế nên cho báo chí tham dự”- Phó Chủ tịch yêu cầu.

Về chương trình kỳ họp thứ 6, theo dự kiến, Quốc hội sẽ dành 9,5 ngày để xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 dự án luật, trong đó riêng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được dành 2,5 ngày (có 0,5 ngày thảo luận ở tổ), Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là 1,5 ngày (trong đó 0,5 ngày thảo luận ở tổ).

Chốt lại vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, vẫn tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân chứ không tổ chức lấy ý kiến thêm nữa.

Với nội dung quan trọng khác của kỳ họp tới là xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh lại lần cuối bản dự thảo trước khi đưa ra trước tập thể Chính phủ để thảo luận kỹ.

Bên cạnh đó phải tổ chức hội thảo, lấy thêm ý kiến chuyên gia để làm sao chốt lại những vấn đề quan trọng, hoàn thiện dự thảo, trước khi đưa ra thảo luận một phiên cuối trong Chính phủ. Đến tháng 9, UBTVQH sẽ nghe lại trước khi trình ra Quốc hội. “Tôi biết là Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước cũng chưa thẩm tra dự luật này”- Chủ tịch nói.

Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Các nghị định (NĐ) liên quan tới dự luật này, Chính phủ phải xem xét lại. Hiện có 2 NĐ rất quan trọng là NĐ về giá đất và NĐ đền bù, hỗ trợ bồi thường tái định cư. Khi Chính phủ thảo luận về dự luật hoàn chỉnh, phải có 2 NĐ này trình kèm để xem xét tính khả thi thế nào, còn nếu không khả thi thì không ban hành luật luôn”.