Thiếu nước, gần 200 ha đất lúa nguy cơ bỏ hoang!

Thiếu nước, gần 200 ha đất lúa nguy cơ bỏ hoang!
Bước vào vụ xuân 2014, huyện Lộc Hà đã có nhiều giải pháp quyết liệt chỉ đạo bà con nông dân ra đồng sản xuất theo đúng lịch thời vụ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến thời điểm này, hơn 200 ha lúa trên toàn huyện vẫn chưa thể gieo cấy...

 

Thiếu nước, gần 200 ha đất lúa nguy cơ bỏ hoang!
Tận dụng nguồn nước ít ỏi từ những trận mưa vừa qua, nông dân xã Thạch Châu (Lộc Hà) tập trung ra đồng cấy lúa.

Tập trung quyết liệt

Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, toàn huyện Lộc Hà trồng hơn 4.955 ha, trong đó 2.911 ha lúa, 1.353 ha lạc, còn lại là các loại rau màu như: ngô, đậu, khoai lang. Đến thời điểm này, bà con nông dân trên toàn huyện đã gieo cấy hơn 2.600/2.911 ha lúa, trong đó 40% xuân trung và 60% xuân muộn, đạt gần 90% kế hoạch; gieo trỉa 100% diện tích lạc.

Phát huy kết quả từ các vụ mùa năm trước, vụ xuân 2014, huyện Lộc Hà cơ cấu các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày như: Xi23, NX30 đối với trà xuân trung và TH3-3, N98, HT1 đối với trà xuân muộn và các giống lạc như: V79, L14, L23.

Để có được những kết quả này, theo ông Đặng Văn Hiển - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà thì với quan điểm bố trí cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng hóa các bộ giống, nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị sản xuất, ngay từ những ngày đầu của vụ xuân 2014, huyện tập trung chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương ra đồng gieo trồng theo đúng lịch thời vụ. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, bám địa bàn để giúp người dân kịp thời tháo gỡ khó khăn...

Gần 200 ha lúa đứng trước nguy cơ bỏ hoang

Bên cạnh những thuận lợi thì vụ xuân 2014, ngành nông nghiệp huyện đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, khó khăn lớn nhất là thời tiết không thuận lợi, dẫn đến đồng ruộng “đói nước”. Nguyên nhân là do không có mưa lớn trong suốt hơn 2 tháng liền (từ cuối tháng 11 đến nay).

Bên cạnh đó, hầu hết những địa bàn này có địa thế khá cao, không có hệ thống kênh mương tưới, ao hồ lớn để bơm. Do không có nước tưới nên bà con nông dân không thể cấy lúa đã khiến gần 200 ha lúa trên toàn địa bàn bị chậm thời vụ, điều đáng lo ngại hơn là số diện tích này đang đứng trước nguy cơ bị bỏ hoang trong vụ xuân năm nay. Trong đó, nhiều nhất là xã Thạch Mỹ 39 ha, Thạch Châu 35 ha, Thịnh Lộc 25 ha, Thạch Bằng 17 ha...

Thiếu nước, gần 200 ha đất lúa nguy cơ bỏ hoang!
Bà con nông dân xã Thạch Bằng (Lộc Hà) trỉa lạc xuân 2014.

Một khó khăn lớn nữa là do đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã khiến 52 ha mạ xuân trung của toàn huyện bị chết. Trước tình hình đó, huyện và bà con nông dân đã phải tập trung nguồn giống và công sức để chạy đua thời gian gieo lại hơn 40 tấn giống, ước tính thiệt hại cả trăm triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Châu Nguyễn Tiến Tám không khỏi băn khoăn: “Diện tích không thể cấy chiếm hơn 50% tổng diện tích lúa (73 ha) của toàn xã. Thời điểm này, xã đã chỉ đạo bà con nông dân tận dụng mọi nguồn nước để tiếp tục cấy nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Không chỉ vậy, tình trạng này kéo dài đã làm cho đất đai bị khô, cỏ dại mọc trở lại, diện tích làm màu dùng để bắc mạ cũng không thể triển khai (khoảng hơn 6 ha màu)”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng qua những cánh đồng loang lổ, chỗ xanh, chỗ trắng, ông Lê Minh Điện - Trưởng thôn Báo Ân, xã Thạch Mỹ nói: “Gần như toàn bộ diện tích lúa vụ xuân 25/33 ha của thôn nguy cơ bị mất trắng do không có nước để cấy. Nhiều người dân trong thôn đã tính đến chuyện chuyển sang trồng đậu đen chứ để đất không thế này xót lắm”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện bày tỏ quyết tâm cao của huyện trong việc “cứu” 200 ha chưa có nước để gieo cấy: “Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân tận dụng những ngày có mưa để ra đồng cấy lúa, đồng thời hỗ trợ một số nguồn giống như lạc, đậu để thay thế”.

Chuyển đổi cây trồng là một trong những giải pháp tình thế và cũng là giải pháp cuối cùng nếu như trời vẫn tiếp tục không có mưa. Tuy nhiên, đây là phương án khó khả thi bởi theo tính toán, nếu chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng màu thì mọi chi phí có thể lên hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, đây cũng là đất 2 lúa, nếu một trận mưa lớn kéo dài thì toàn bộ rau màu này sẽ bị chết. Hiện xã Thạch Mỹ đang huy động máy bơm, người dân để tập trung bơm nước từ những vùng sâu trũng nhưng công suất cao nhất cũng chỉ được gần 2 ha/ngày nên để giải quyết được thực trạng này chỉ trông chờ vào thiên nhiên.

Rời Lộc Hà mà niềm vui đầu xuân không thể lấn át được nỗi lo lắng của bà con nông dân nơi đây. Mong cho mưa thuận, gió hòa để người dân Lộc Hà vượt qua những khó khăn, thách thức, giành một vụ xuân bội thu.

Thế Công
Nguồn baohatinh.vn