Thước đo phải là nông dân

Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo về bản chất được đánh giá là hoàn toàn đúng đắn vì tạo nền tảng để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, với những mục tiêu đến năm 2020, giá xuất khẩu gạo bình quân 600 USD/tấn nhóm gạo trắng, hạt dài và 800 USD/tấn nhóm gạo thơm đặc sản; giá trị sản lượng trên 1 ha đất trồng lúa đạt bình quân 100-120 triệu đồng... thì xem ra đề án này quá lý thuyết và chủ quan.

Thực tế cho thấy năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo, tăng 8,29% so với năm 2011 nhưng giá xuất khẩu FOB bình quân chỉ đạt 446,86 USD/tấn, giảm 46,85 USD/tấn so với năm 2011. Năm 2013, xuất khẩu gạo chỉ xấp xỉ 7 triệu tấn, giảm hơn 17% về khối lượng và giảm khoảng 20% về giá trị so với năm 2012, với giá xuất khẩu ở mức bình quân 440 USD/tấn, giảm hơn 3% so với năm 2012. Những số liệu vừa nêu cho thấy mỗi năm, bà con nông dân vẫn phải cật lực sản xuất để làm ra lúa gạo xuất khẩu nhưng nguồn lợi lại ít hơn trên chính sản phẩm do mình làm ra.

Các chuyên gia về lương thực đã chỉ ra ít nhất 3 kịch bản trong cạnh tranh lẫn thị phần của lúa gạo Việt Nam.

Nếu chọn phương án “gạo chất lượng thấp, giá rẻ, bán lấy số lượng” thì nông dân khó sống. Quan trọng hơn, gạo chất lượng thấp, giá rẻ sẽ là cản trở lớn đối với việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Còn nếu chọn cách “bán gạo chất lượng cao, giá tốt để lấy lời” thì quả là rất gian nan bởi gạo Việt Nam chưa có thương hiệu và sức cạnh tranh so với một vài nước ở châu Á. Lúc đó, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ bị tổn thất. Chính Thái Lan đã phải mất thị trường Hồng Kông, Trung Quốc... từ bài học này. Như vậy, kịch bản cuối cùng là sự đồng bộ từ khâu sản xuất đến liên kết hợp tác xuất khẩu để bảo đảm được sự cân bằng yếu tố cung và cầu trên thị trường xuất khẩu gạo.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy mối quan hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu gạo và người trồng lúa vẫn chưa đạt được nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Phần thiệt luôn thuộc về nông dân. Trong khi các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách để cân bằng lợi ích giữa hai bên thì trong năm 2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam từng kiến nghị không quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải đầu tư vùng nguyên liệu. Kiến nghị như vậy chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà chưa sòng phẳng với nông dân.

Nghịch lý đang xảy ra ở ĐBSCL là dù nông dân đang có xu hướng gia tăng sản xuất các giống lúa chất lượng cao (72% số hộ) nhưng thương lái chủ yếu thu mua các giống lúa thường (chiếm hơn 75% trong cơ cấu mua lúa) khiến cho người sản xuất lúa chất lượng cao rất khó tiêu thụ mặc dù họ được khuyến khích gieo trồng.

Rõ ràng, trong chuỗi giá trị lúa gạo hàng hóa, cái gốc đương nhiên là nông dân nhưng họ đã và đang bị thiệt đơn thiệt kép. Do đó, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo bền vững cần lấy “thước đo là mức độ cải thiện đời sống của nông dân”. Trong chuỗi giá trị ấy, không chỉ đơn giản là đầu ra xuất khẩu gạo mà phải cả đầu vào của sản xuất với sự hỗ trợ tối đa của nhà nước.

Theo nld.com.vn