Từ kinh nghiệm của nông dân đến tiến bộ kỹ thuật
- Thứ năm - 26/02/2015 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cách đây vài năm, khi diện tích vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tăng chóng mặt khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, ông Lê Thế Hơn ở xã Hồng Giang đã "liều" ghép nhãn lên những cây vải thoái hóa, năng suất thấp. Ông Hơn bộc bạch: "Tôi làm việc này trước hết vì áp lực tiêu thụ vải thiều vào chính vụ quá lớn. Công sức cả năm trời chăm sóc nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu vì vào chính vụ trên trời dưới đất ở Lục Ngạn đâu đâu cũng thấy vải. Có thời điểm nhà tôi để vải chín trên cành, vì có thu hái cũng không đủ tiền trả nhân công".
Trước khi cho nhãn và vải "bén duyên", ông Hơn đã từng tận dụng gốc vải cũ để ghép giống vải chín sớm nhưng không thành công, thế là ông nghĩ đến việc ghép nhãn lên gốc vải chỉ với một suy luận đơn giản: "Vải và nhãn có họ với nhau, lại cùng ăn cùi, chắc ghép sẽ hợp". Giống nhãn ông chọn để ghép là nhãn Hương Chi, nhãn muộn Hà Tây. Sau 20 ngày ghép, mầm nhãn trên 30 gốc vải ghép đã bật lên non tơ, mang lại cho ông Hơn niềm hy vọng.
Và chỉ sau 2 năm, nhãn trên gốc ghép đã cho quả, rút ngắn được một nửa thời gian so với trồng nhãn bằng cây con. Điều ông Hơn tâm đắc là chất lượng nhãn trên gốc ghép không thua cây mẹ, cùi dày, ngọt, ít bị sâu bệnh. Và đến nay, sau hơn 6 năm, những cây nhãn sinh trưởng trên gốc vải vẫn phát triển tốt, cho thu hoạch quả đều, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông Hơn.
Xây dựng thành quy trình kỹ thuật
GS. Ngô Thế Dân cùng PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa |
Thấy mô hình ghép nhãn trên vải của ông Hơn mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong vùng đến tham quan, học tập, rồi về cải tạo diện tích vải đã già cỗi. Tuy nhiên, nhiều hộ đã không thành công, tỷ lệ mắt ghép sống thấp. Trước thực tế này, để giúp bà con vùng vải tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Hội Làm vườn Việt Nam xây dựng đề tài: "Ghép nhãn trên vải nhằm tăng thu nhập cho nông dân" do GS.TS Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Trung ương Hội làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu sâu hơn về sáng tạo này, đồng thời khái quát lên thành tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dân khẳng định: "Từ trước đến nay chưa có tài liệu khoa học nào nói về việc ghép nhãn lên vải, ngay cả trong các sách nghiên cứu, người ta cũng chỉ đề cập đến khả năng ghép hai loài cùng họ với nhau, nhưng cũng không nói rõ là họ Bồ hòn. Chính vì vậy, đây là sáng tạo rất đáng được trân trọng của nông dân, xuất phát từ nhu cầu bức thiết của họ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nhiệm vụ của ngành chức năng và các nhà khoa học là nghiên cứu cụ thể hơn về tiến bộ kỹ thuật này, đồng thời khái quát thành quy trình, phổ biến cho nông dân và khuyến cáo họ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra".
Cũng theo ông Dân, việc ghép nhãn lên vải hoàn toàn có cơ sở khoa học vì đây là hai loài cùng họ Bồ hòn, sống ở vùng á nhiệt đới. Việc ghép này còn có thể đưa nhãn lên trồng ở những vùng đồi khô cằn (theo kinh nghiệm dân gian, nhãn chỉ phát triển ở những vùng đất thấp, ven ao hồ). Sau khi vận động nông dân, đã có 3 hộ ở xã Tân Lập đồng ý đốn vải để thực hiện ghép. Tháng 9/2009, 200 gốc vải được đốn, chăm sóc kỹ lưỡng để cành vải tái sinh, tháng 4/2010 tiến hành ghép. Kỹ sư Đào Xuân Hướng, cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, cộng sự đắc lực của GS. Dân trong đề tài này cho biết: "Gốc ghép tốt nhất là cây vải 10 - 15 tuổi, phân bố đều cành ghép ra xung quanh, mỗi gốc ghép 30 - 35 mắt. Quá trình ghép nên để một vài cành thở và 4 - 5 lá gốc ghép để giúp cây quang hợp".
Ông Dân vui mừng thông báo, đến nay, chỉ sau hơn 1 năm, những gốc ghép đầu tiên đã cho quả bói rất sai. Ông Phùng Văn Khải ở xã Tân Lập hồ hởi nói: "Tôi rất vui vì chỉ sau một năm nhãn đã cho quả, trong khi nếu trồng mới phải mất 4 năm. Tôi từng đau đầu vì vải ế, giờ chuyển một phần diện tích sang ghép nhãn, tôi sẽ có thêm nguồn thu nhập vì giá nhãn luôn cao và ổn định. Trong quá trình thực hiện, tôi còn được cán bộ Hội Làm vườn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu".
Đề tài này cũng được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương đánh giá rất cao và đề nghị chủ nhiệm tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn, đánh giá một cách toàn diện về tiến bộ kỹ thuật, đồng thời theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của mắt ghép để xây dựng thành quy trình hoàn chỉnh.
Thành công của mô hình ghép nhãn lên vải với sự liên kết giữa nhà khoa học và nông dân sẽ mở ra hướng đi mới, giúp bà con cải tạo diện tích cây ăn quả già cỗi, nâng cao thu nhập và xây dựng thành vùng chuyên canh.
Phương Nguyên
Quy trình ghép nhãn lên vải Đây là khâu đầu tiên trong quá trình ghép cải tạo, quyết định đến chất lượng cây gốc ghép, tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng của cây sau khi ghép cải tạo. Thời gian cưa đốn thích hợp là từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 (sau khi thu xong vải). Cưa đốn trên cành cấp 2 hoặc cấp 3 (tùy tuổi cây), chiều cao từ mặt đất đến vết cưa khoảng 1-1,2m. Giữ lại 2-3 cành theo các hướng khác nhau hoặc một cành giữa tán cây làm cành thở.
Sử dụng cành lá cây vải vừa cưa đốn phủ kín lên gốc cây vải vừa cưa để che nắng.
Chăm sóc chồi vải tái sinh Bón phân cho cây gốc ghép Lượng phân bón: phân chuồng 30-50kg/cây/năm; urê 0,7-1kg/cây/năm; lân 1,5-1,7 kg/cây/năm; kali 0,7-1kg/cây/năm. Cách bón: Xẻ rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán cây với bề mặt rộng 20 - 30cm, đào sâu 30cm, rải phân đều vào rãnh, lấp đất, tủ gốc và tưới nước giữ ẩm để cây dễ hấp thụ. Chia làm 3 lần bón: Lần 1, bón vào tháng 8-9 khi chồi vải tái sinh đã thành thục: 30% urê, 30% kali, 100% lân và 100% phân chuồng. Lần 2, bón vào tháng 11: 30% urê, 40% kali. Lần 3, bón vào tháng 2- 3 năm sau: 40% urê, 30% kali. Sử dụng các loại phân có hàm lượng dinh dưỡng cao bón bổ sung qua lá để thúc đẩy cành sinh trưởng phát triển. Lần 1 phun khi lộc đợt 1 đã thành thục, các lần phun tiếp theo cách nhau 20- 25 ngày, phun từ 4-5 lần với nồng độ 0,15- 0,2%. Kỹ thuật ghép cải tạo Thời gian ghép tốt nhất vào cuối tháng 4 và 5 hoặc cuối tháng 8 và 9. Đoạn cành nhãn chọn để ghép là cành bánh tẻ, không bị cong queo, không sâu bệnh, có từ 3-5 mắt ngủ. Đoạn cành nhãn để ghép phải cắt bỏ hết lá, dùng khăn vải ẩm sạch bọc kín mắt và giữ ở nơi thoáng mát để mắt không bị khô. Tốt nhất là ghép ngay trong ngày. Phương pháp ghép: Ghép đoạn cành (ghép chẻ bên hoặc ghép vát). Thao tác ghép cần nhanh, kỹ thuật chính xác. Trên cành mắt ghép tạo một vết cắt dài 2,5- 3cm với độ vát 25 -30 độ. Phần gốc ghép ta chẻ dọc hoặc tạo một vết cắt ngay gần sát lớp vỏ với 1 vết cắt khoảng 2,5-3cm. Vết cắt phải nhẵn, phẳng. Dùng dây nylon tự hủy (dây ghép chuyên dụng) quấn phủ kín chặt phần dưới gốc ghép, sau đó trải rộng quấn phủ kín phần trên mắt ghép. Chăm sóc sau ghép Xử lý kiến: Phải tiến hành phun thuốc trừ kiến ngay sau khi ghép xong bằng các loại thuốc Ofatox, Sherpa 25C với nồng độ 0,15-0,2%, sau 2-3 ngày phun lặp lại một lần cho đến khi mắt ghép bật mầm. Vặt mầm dại: Sau khi ghép xong khoảng 7 -10 ngày, các mầm ở dưới gốc ghép bật lên (mầm dại), lúc này ta phải kiểm tra và vặt bỏ mầm dại thường xuyên. Cắt bỏ cành thở: Sau khi mầm ghép được 1- 2 đợt lộc thành thục thì tiến hành cắt bỏ hết các cành thở để cây tập trung dinh dưỡng nuôi mầm ghép. Phòng trừ sâu bệnh hại Bọ phấn trắng thường gây hại lá non và lá bánh tẻ. Sử dụng Sherpa, Kinamus, Supation, phun theo khuyến cáo. Sâu đục ngọn phát sinh gây hại các đợt lộc non, lá non. Sử dụng Polytrin hoặc Sumicidin nồng độ 0,2%, phun thành 2 lần, đợt 1 khi cây xuất hiện lộc non, đợt hai sau đợt một 2 tuần. Châu chấu xanh nhỏ gây hại trên lá non và bánh tẻ. Sử dụng Polytrin, Supracid, Sherpa 25C, phun với nồng độ 0,15-0,2%. Bệnh đốm nâu gây hại trên lá non và lá bánh tẻ, dùng Rhidomin 5G, Daconil 500SC, Bavistin 50 FL, phun khi lộc non mới ra. Bệnh khô đầu lá xuất hiện làm khô mép lá bánh tẻ và lá già, sử dụng Rhidomil 0,2% để phun phòng trừ. |
Theo kinhtenongthon.com