Việt Nam chi nửa tỷ USD nhập giống rau củ

Kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đã chạm gần đến mốc 1 tỷ USD. Song theo một số liệu do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) công bố khá “sốc”, đó là mỗi năm Việt Nam chúng ta riêng tiền mua giống, đã phải bỏ ra tới 500 triệu USD để nhập khẩu từng loại giống rau củ quả.
Chi phí mua hạt giống nhập ngoại cao, khó chủ động nên nhiều nông dân đã tự lựa chọn, lai tạo giống phục vụ sản xuất. ảnh: Ông Trần Tuyết Hưng (ngoài cùng tay trái) ở quận Long Biên, Hà Nội đã tự nhân giống cây chùm ngây.
Cụ thể, năm 2013 Việt Nam đã phải chi tới 500 triệu USD để nhập khẩu hơn 8.000 tấn hạt giống các loại nhằm cung ứng cho 700.000ha sản xuất rau của cả nước. Ngay cả những loại hạt giống rau có thể sản xuất trong nước như củ cải, cà chua, dưa chuột, cải bắp, su hào, hạt rau mầm... cũng phải nhập khẩu.
 
80% giống rau phải nhập khẩu
 
Ông Nguyễn Văn Can ở xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) - chủ một đại lý chuyên cung cấp các loại giống rau cho biết, để chuẩn bị cho vụ rau thu đông sắp tới, ông vừa nhập về một lượng lớn hạt giống rau các loại thông qua một doanh nghiệp (DN), trong đó đa phần là hạt giống nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sỹ...
 
Giá các loại hạt nhập khẩu không hề rẻ, ví dụ hạt cải ngọt giá khoảng 10.000 đồng/túi 50gam(tương đương 200.000 đồng/kg); hạt dưa leo 50.000 đồng/túi 20gam (khoảng 2,5 triệu đồng/kg)... Riêng những loại hạt lai chất lượng cao thì tính bằng hạt, như xà lách tím cao sản của Ý giá 28.000 đồng/100 hạt; cải thảo tim vàng 28.000 đồng/20 hạt; súp lơ trắng 28.000 đồng/50 hạt; cà chua lai F1 trồng nhà kính giá tới 200.000 đồng/túi 5gam...
 
Anh Lê Bình - cán bộ nghiên cứu thị trường của một công ty sản xuất giống cây trồng lớn tại miền Bắc cho biết, công ty anh không chỉ nhập nhiều loại hạt giống rau củ quả từ nước ngoài mà còn nhập lúa lai từ Trung Quốc cũng như các hạt giống hoa ôn đới, nhiệt đới. “Mặc dù công ty đã tự sản xuất được nhiều loại giống cây trồng, song vẫn phải nhập khẩu về bán để hưởng chênh lệch giá thì mới cạnh tranh được với các tập đoàn lớn” – anh Bình cho hay.
 
Sở dĩ hạt giống nhập khẩu ngày càng lấn át hạt giống nội, theo ông Can là vì hạt giống nhập ngoại có chất lượng rất tốt, thời gian bảo quản dài, tỷ lệ nảy mầm cao, cây trồng chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với giống nội. Dù giá hạt giống cao, song bà con nông dân vẫn thích mua vì giống cho năng suất cao, mẫu mã đẹp.
 
GS - VS Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết: “Riêng các giống rau, củ cao cấp thì DN ngoại đang nắm giữ tới 80% thị phần trong nước. Có điều này là do các DN trong nước chưa sở hữu được những tổ hợp lai có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất hạt giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, làm giống rau cao cấp phải đầu tư vốn rất lớn, có loại lên tới vài trăm triệu đô la/giống, trong khi hầu hết DN Việt Nam có nguồn vốn hạn hẹp, ngại đầu tư lâu dài, nhất là công nghệ rất yếu kém, lạc hậu”.
 
Mất chủ động giống do… cơ chế?
 
Là nước khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất rau quả. Nguồn gene của chúng ta khá phong phú với nhiều giống tốt.
 
Thế nhưng, có điều ngược lại là những nguồn gen đó đã dần bị mất đi chỉ vì chúng ta thiếu năng lực, kinh phí để nghiên cứu, phát triển. Theo GS - VS Trần Đình Long, việc nước ta phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống, một phần do… cơ chế và chính sách của Nhà nước chưa tạo ra được hành lang thông thoáng và hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc, trong khi ngành chế biến hạt giống đòi hỏi công nghệ cao, chi phí đầu tư ban đầu lớn.
 
Thực tế cho thấy, nghiên cứu hạt giống ở các nước đều do các DN tư nhân đầu tư chứ không phải do Nhà nước. Còn tại Việt Nam, ngành giống lâu nay trong tình trạng “cha chung không ai khóc”, chủ yếu giao cho các viện thực hiện thông qua các đề tài.
 
Nói về thực trạng này, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện cả nước có khoảng 650 DN đăng ký sản xuất và kinh doanh hạt giống. Song vì hầu hết các DN có vốn ít, thị trường hẹp, công nghệ lạc hậu nên chỉ tập trung nghiên cứu các giống cây lương thực có thế mạnh, còn rau củ quả thì hầu hết là nhập khẩu.
 
“Một khác biệt lớn khiến các DN sản xuất giống rau trong nước phải chấp nhận thua trên “sân nhà”, đó là họ hầu như mới dừng lại ở việc lai tạo, sản xuất và cung ứng, còn các DN nước ngoài có thể chủ động hết các khâu từ nghiên cứu - lai tạo - sản xuất - tiếp thị - chăm sóc khách hàng, với bộ giống vô cùng đa dạng, phong phú…” – ông Quảng cho biết.
 
Bà Trần Kim Liên – Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng T.Ư cho hay: “Để nghiên cứu được một giống cây trồng mới, bình quân công ty phải chi trả từ 10 – 12 tỷ đồng, chưa kể khoảng 4 tỷ đồng/vụ cho khâu thương mại, tiếp thị đến tay nông dân... Chính vì vốn đầu tư lớn nên các DN nhỏ không thể làm được khâu sản xuất giống, phải phụ thuộc vào nhập khẩu hoặc hợp tác trở thành DN phân phối độc quyền của các tập đoàn giống đa quốc gia”.
 
Mới đây, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) cũng đã thành lập Trung tâm Giống rau hoa tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) với diện tích 25ha. Điều đó cho thấy một tín hiệu vui, khi các DN lớn trong nước đã tự tin hơn trong việc đầu tư mạnh cho thị trường sản xuất, kinh doanh hạt giống nội địa.
 
Hy vọng, các DN trong nước sẽ biết tận dụng lợi thế đi sau, mạnh dạn áp dụng công nghệ cao và làm ăn theo hướng chuyên nghiệp để có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, cũng như tiến tới xuất khẩu hạt giống.
 
Theo GS -VS Trần Đình Long: “Để có những nguồn giống tốt cung cấp cho sản xuất, ngành nông nghiệp cần ưu tiên đầu tư phát triển, phục tráng những giống rau hoa quả bản địa có chất lượng nổi bật, quảng bá bằng nhiều kênh, cung cấp thông tin, quy trình trồng trọt cho nông dân, sau đó là lai tạo ra những giống mới có nhiều ưu điểm nổi bật để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.
 
Minh Huệ/ Dân Việt
Theo tintucnongnghiep.com