WB lạc quan về kinh tế Việt Nam
- Thứ năm - 13/07/2017 20:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực, tăng trưởng GDP dự kiến tăng nhẹ lên 6,3% trong năm 2017 - Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tại báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam được công bố chiều 13/7.
“Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng của Việt Nam - bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến”, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng - quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận xét.
Theo WB, đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập lại những khoảng đệm chính sách.
Đi sâu hơn những diễn biến kinh tế gần đây ở Việt Nam, báo cáo phân tích, lĩnh vực khai khoáng - hiện chiếm khoảng 7,4% GDP bị ảnh hưởng đáng kể khi sản lượng giảm 8,2% làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP chung trong 6 tháng đầu năm nay. Do các mỏ dầu lớn của Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên và chú ý chính sách hướng tới nền kinh tế dần dần bớt phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên, chỉ tiêu khai thác dầu thô chỉ được đặt ra ở mức 12,3 triệu tấn (khoảng 246.000 thùng một ngày), giảm 19,2% so với năm 2016.
6 tháng đầu năm 2017, sản lượng dầu thô giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống khoảng 6,9 triệu tấn. Tuy nhiên, để chặn đà suy giảm của ngành khai khoáng nói riêng và cả khu vực công nghiệp nói chung, Chính phủ có đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét khả năng khai thác thêm ít nhất một triệu tấn dầu thô trong năm nay.
Quan điểm chính sách tiền tệ vẫn phải cân đối giữa hai mục tiêu ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, với lãi suất thực khá thấp và tăng trưởng tín dụng ở mức cao, ước khoảng 20% (so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế với hàm lượng và tăng trưởng tín dụng cao kéo dài có thể làm dấy lên quan ngại về chất lượng tài sản, nhất là trong điều kiện nợ xấu trước đây vẫn chưa được chưa xử lý triệt để - báo cáo nêu rõ.
Các tác giả báo cáo cũng nhận định, cân đối tài khoản vãng lai của Việt Nam sau khi đạt thặng dư lớn trong năm 2016 đã giảm dần trong những tháng đầu năm 2017 do tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu.
Tỷ giá hối đoái danh nghĩa vẫn tương đối ổn định, nhưng tỷ giá thực (REER) tiếp tục tăng. Tỷ giá thực tăng nhờ khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thặng dư kinh tế đối ngoại lớn, nhưng điều đó lại có thể là mối quan ngại cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam khi họ vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh.
Triển vọng kinh tế Việt Nam, theo báo cáo thì vẫn thuận lợi khi tăng trưởng được duy trì đi kèm với kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng kinh tế dự kiến tiếp tục được cải thiện trong 6 tháng cuối năm nhờ tiêu dùng cá nhân, các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
Áp lực lạm phát ở mức vừa phải trong đó lạm phát cơ bản ổn định nhờ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng dự báo vẫn ở mức thấp và các điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý được phối hợp hợp lý hơn. Tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư nhưng ở mức thấp hơn khi tăng trưởng nhập khẩu gia tăng nhanh chóng. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng dự kiến được cải thiện lên mức 6,4% trong các năm 2018 - 2019, cùng với ổn định chung về kinh tế vĩ mô.
Báo cáo lưu ý rằng những bất định gia tăng trên toàn cầu đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục cẩn trọng hơn nữa trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở đà tăng trưởng được duy trì, ưu tiên hàng đầu vẫn là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và tái lập lại các lớp đệm chính sách. Giảm bội chi ngân sách là hết sức cần thiết để kiềm chế những rủi ro ngày càng tăng về bền vững ngân sách và tạo dư địa tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc tiềm năng trong tương lai. Cần tiếp tục cải thiện công tác đánh giá rủi ro và thanh tra giám sát về an toàn vốn nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong bối cảnh mở rộng tín dụng.
Các chuyên gia WB cho rằng, thách thức về lâu dài của Việt Nam vẫn là duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng cao và giảm nghèo bền vững. Những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ được loại bỏ theo tiến trình của cải cách cơ cấu bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố và hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất bao gồm vốn và đất đai.
Theo VnEcnomy