Xây dựng nông thôn mới: Cần thêm đòn bẩy

Xây dựng nông thôn mới: Cần thêm đòn bẩy
Qua gần 3 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn trên toàn quốc. Tuy nhiên, chương trình này đang gặp không ít khó khăn trong công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM.

 

7.000 mô hình sản xuất có hiệu quả

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, cả nước có trên 7.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 6.400 tỉ đồng. Đặc biệt, các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp đã có chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi suất ưu đãi để giúp nông dân mua máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, các tỉnh, thành phố đã chú trọng công tác phát triển sản xuất hơn. Sau Thái Bình, nhiều tỉnh đang xúc tiến công tác dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng "cánh đồng mẫu lớn", "cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp". Một số địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch ở nông thôn, hàng năm đã thu hút được hàng trăm ngàn lượt khách du lịch. Một số nơi khôi phục, xây dựng các làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch và dịch vụ. Việc này góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

 
Trong 6 tháng đầu năm, có 480 trường học được sửa chữa, nâng cấp. (Trong ảnh: Học sinh xã Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang được học trong phòng học khang trang).

 

Đặc biệt, tại 5 huyện làm điểm là K'bang (Gia Lai), Phước Long (Bạc Liêu), Phú Ninh (Quảng Nam), Nam Đàn (Nghệ An) và Hải Hậu (Nam Định), sau khi hoàn thành công tác quy hoạch NTM đã dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng (đường, trường, thủy lợi...), thí điểm và nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Hạ tầng cơ sở đã có chuyển biến rõ, một số công trình kết nối giữa huyện với xã được phát triển. Mức thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên (chỉ còn duy nhất huyện K'bang là có mức thu nhập bình quân dưới chuẩn: 11,9 triệu đồng), còn lại đều đạt cao hơn). Đến nay, các xã tại 5 huyện điểm xây dựng NTM của cả nước hoàn thành 19,5 tiêu chí.

Chương trình xây dựng NTM cũng đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, khu vực nông thôn cả nước đã có gần 60.000 nhà văn hóa ở các khu dân cư, có trên 1,3 triệu "người tốt, việc tốt" được biểu dương với 1,6 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa. Hiện, các địa phương đang triển khai gần 5.000 công trình giao thông nông thôn với khoảng 64.000km đường (trong đó, làm mới 38.000km).

Khó hoàn thành mục tiêu

Báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình NTM cho thấy: Đến tháng 1-2013 mới có 35 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM, chiếm tỉ lệ 0,4% tổng số xã. 276 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Trong đó, có 2.523 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM đánh giá: Với tiến độ như trên, mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM là rất khó thành hiện thực nếu không tăng nguồn lực, điều chỉnh phương thức hỗ trợ và tập trung chỉ đạo các xã làm điểm. Thực tiễn cho thấy, đối với các xã đã đạt khoảng 14 tiêu chí, trong đó có tiêu chí hạ tầng, các tiêu chí còn lại đã đạt ít nhất 70% trở lên, nếu nỗ lực phấn đấu cũng phải sau 2 năm mới có thể hoàn thành.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng NTM hiện còn nhiều hạn chế. Chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là quy hoạch nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chưa được coi trọng đúng mức, có tư tưởng làm cho xong. Số xã có làm quy hoạch sản xuất thì lại thiếu tính kết nối vùng do nhiều huyện chưa bổ sung quy hoạch kinh tế, xã hội làm căn cứ cho xã làm quy hoạch, nên rất khó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa.

Một điểm yếu nữa là, các xã mới chỉ dừng ở quy hoạch chung. Đến nay, mới có 83,5% số xã của cả nước hoàn thành quy hoạch chung trong xây dựng NTM, trong đó, các tỉnh Đông Nam bộ, tỷ lệ hoàn thành quy hoạch thấp, mới chỉ đạt 27,3%. Hiện còn 2 tỉnh có tỷ lệ phê duyệt rất thấp là Điện Biên (3%) và Bình Phước (20%). Hầu hết các xã chưa làm quy hoạch chi tiết, nhất là quy hoạch chi tiết hệ thống cơ sở hạ tầng nên khó cho việc cắm mốc chỉ giới. Thậm chí, một số địa phương bỏ qua công tác này dẫn đến việc người dân tiếp tục xây dựng vào phần đất đã quy hoạch. 

Tăng hỗ trợ cho xã

Đến nay, cả nước mới có 60,4% số xã phê duyệt xong đề án xây dựng NTM, 865 xã (9,5%) đã hoàn thành thẩm định và đang chờ thủ tục phê duyệt. Tình trạng khá phổ biến ở các xã là: Đề án chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng tới sản xuất, môi trường, văn hóa..., giải pháp thực hiện, nhất là huy động nguồn lực còn thiếu tính thực tiễn.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có biện pháp cụ thể khắc phục những hạn chế tồn tại. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất mức kinh phí hỗ trợ quy hoạch cấp xã phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, từ năm 2014 giành nguồn lực bố trí hỗ trợ cho các xã với mức cao hơn hiện nay (bình quân khoảng 500 triệu đồng/xã) báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các xã điểm do Trung ương chỉ đạo phải ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư hỗ trợ để các xã đạt chuẩn NTM trong năm 2014. Ngoài ra, khi hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2014, các bộ, ngành phải chủ động bố trí tăng tối đa nguồn lực cho thực hiện tiêu chí NTM của ngành mình, trong đó, ưu tiên hỗ trợ các xã sớm đạt chuẩn NTM (bao gồm các xã điểm do Trung ương chỉ đạo).

 

N.Bích
Theo bienphong.com.vn