Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay: Kinh nghiệm từ Dự án Chia sẻ do Thụy Điển tài trợ

Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay: Kinh nghiệm từ Dự án Chia sẻ do Thụy Điển tài trợ
Ghi nhận lại chặng đường 46 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Thụy Điển (1967-2013), một trong những nội dung được đánh giá cao là sự mở rộng viện trợ phát triển nông thôn trên diện rộng của Thụy Điển với Việt Nam. Đáng chú ý hơn cả là những dự án viện trợ của Thụy Điển đã có một số đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay.

Nội dung này được đề cập tại Tọa đàm “Chia sẻ: Chống đói nghèo – Thúc đẩy sự tham gia cảu địa phương” diễn ra chiều ngày 4/11 tại Hà Nội. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 46 năm quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Thụy Điển.

 

 

 Tọa đàm là cơ hội để các đại biểu Thụy Điển và Việt Nam cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm của triển khai Dự án trong xây dựng NTM ở Việt Nam hiện nay
 (Ảnh: HNV)

Dự án nhà máy giấy Bãi Bằng và các dự án phụ trợ (1969-1996) là minh chứng rõ ràng xâu chuỗi câu chuyện về sự chuyển dịch trọng tâm hợp tác phát triển phát triển của Thụy Điển, từ việc xây dựng nhà máy giấy và bột giấy ở Bãi Bằng sang chương trình giảm nghèo và thúc đẩy sự tham gia trong quản lý. Cũng từ dự án này đã mở rộng hỗ trợ phát triển nông thôn trên diện rộng hơn của Thụy Điển với Việt Nam. Nhìn lại những chặng đường triển khai dự án có thể thấy, các hoạt động lâm nghiệp phát sinh trong quá trình phát triển của những hỗ trợ từ phía Thụy Điển. Đây là điểm khởi đầu cho một quá trình 30 năm tham gia hỗ trợ của Thụy Điển tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, đây cũng là xuất phát điểm cho cương lĩnh hoạt động của Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA) để không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao công nghệ công nghiệp cụ thể cho nhà máy giấy mà còn chuyển sang những mối quan tâm vĩ mô hơn cho sự nghiệp phát triển nông thôn.

 

Ngoài dự án này, phải kế đến dự án “Chia sẻ: Chống đói nghèo – Thúc đẩy sự tham gia của địa phương” (xây dựng năm 2001 và thí điểm triển khai ở một số địa phương thuộc Quảng Trị, Hà Giang từ năm 2003 đến nay) và những đóng góp của dự án (gọi tắt là Dự án Chia sẻ) đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM mà Việt Nam đã triển khai từ năm 2010 đến nay. Chia sẻ về những tác động tích cực của dự án này khi thực hiện trong thực tế, bà Phan Thị Hồng, Hội phụ nữ xã Gio Bình, huyện Gio Linh, Quảng Trị cho biết, nhờ Dự án Chia sẻ, xã đã xây dựng được các công trình nước sạch cho Trạm y tế xã, cộng đồng dân cư các thôn Bình Hải, Xuân Mai, Bình Minh, xây dựng 3 công trình vệ sinh... góp phần làm “bộ mặt” nông thôn được khởi sắc, khang trang, sạch đẹp hơn, gần gũi với một số tiêu chí xây dựng NTM đã và đang triển khai.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Phúc, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khẳng định, việc triển khai Dự án Chia sẻ đã có những đóng góp nhất định vào công cuộc xây dựng NTM ở huyện, trong đó có việc hỗ trợ các xã điểm về xây dựng giao thông nông thôn nói riêng cũng như cơ sở hạ tầng nói chung. Nhờ Dự án, đầu tư hơn 75 tỷ đồng xây dựng công trình phúc lợi xã hội, đầu tư hơn 28 tỷ đồng xây dựng 38.086m đường cấp phối, 38.165m cấp phối nội đồng, 20.514m đường bê tông, 1.250m bán xâm nhập nhựa; đầu tư 1,640 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi; đầu tư hơn 3,8 tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch; đầu tư 1,6 tỷ đồng vào công trình điện sinh hoạt; 881 triệu đồng cho hệ thống truyền thanh... Trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng NTM, kinh nghiệm từ Dự án đã góp phần tổ chức họp thôn đạt chất lượng và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, ông Thèn Ngọc Minh, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết, dự án đã góp phần trao quyền đến tận người dân, công khai và minh bạch về tài chính, bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và linh hoạt các cách thức làm việc. Đây cũng là nội dung của việc triển khai xây dựng NTM mà Đảng và Nhà nước ta đang triển khai.

 

 Một số hình ảnh về người dân khi được hỗ trợ từ Dự án Chia sẻ và tác động của nó với quá trình xây dựng NTM (Ảnh: HNV)

Nhận định về tác động của dự án với công cuộc xây dựng NTM, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc triển khai xây dựng xã NTM theo Bộ Tiêu chí Quốc gia NTM được thực hiện trên phạm vi toàn quốc ở 9.052 xã từ năm 2010 đến năm 2020 trên nguyên tắc: lấy xã làm đơn vị thực hiện, người dân và cộng đồng là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ. Chương trình này sẽ sử dụng các nguồn lực từ các chương trình MTQG, các chương trình, dự án, đóng góp của người dân và các nguồn lực khác để tập trung vào: quy hoạch NTM; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; giảm nghèo và an sinh xã hội; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ cư dân nông thôn; Xây dựng đời sống văn hoá, thông tin và truyền thông; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

 

Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến, kinh nghiệm từ Dự án Chia sẻ cho thấy có sự tương đồng ở nội dung: Phân cấp, trao quyền cho cộng đồng thôn, xã quản lý và giám sát, đánh giá việc sử dụng nguồn lực, có dự báo trước 3-4 năm, công khai, minh bạch nguồn lực hỗ trợ cũng như công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng, thực hiện các kế hoạch sử dụng nguồn lực. Điều này được thể hiện với việc người dân xây dựng dự án phát triển kinh tế hộ; cộng đồng thôn xây dựng kế hoạch phát triển thôn, Xã xây dựng kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội xã theo phương pháp có người dân; hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của người dân... Hầu hết các công trình xây dựng có chất lượng tốt, vận hành và duy tu bảo dưỡng tốt hơn; xây dựng năng lực phù hợp với các mục đầu tư, kinh phí hỗ trợ được sử dụng hiệu quả hơn; an ninh môi trường được đảm bảo ở mức độ nào đó; giảm thiểu tham nhũng, lãng phí và các chi tiêu không cần thiết...

Tương tự, chương trình MTQG xây dựng NTM cũng nêu rõ: việc lập kế hoạch và qui hoạch phải có sự tham gia của người dân; Thành lập Ban Phát triển thôn để tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp và xây dựng NTM. Thực tế, một số địa phương đã chủ động thí điểm lập kế hoạch và qui hoạch từ thôn, bản: Hà Giang, Hà Tĩnh; Tăng cường phân cấp cho chính quyền cơ sở với việc thành lập Ban Quản lý Chương trình xây dựng NTM ở tất cả các xã; Phân cấp tối đa cho cấp xã với việc xã là chủ đầu tư của tất cả các dự án đồng thời phân định rõ trách nhiệm của xã, thôn và hộ đối với từng tiêu chí/chỉ tiêu: trong số 39 chỉ tiêu của 19 tiêu chí có 16/39 chỉ tiêu của xã, 05/39 chỉ tiêu của thôn và 18/39 chỉ tiêu của hộ dân. Đặc biệt, việc qui hoạch và đề án NTM phải lấy tiêu chí làm chỗ dựa, thực tiễn của xã làm cơ sở, hiệu quả làm mục tiêu; Xây dựng cơ sở hạ tầng vì mục tiêu phục vụ đời sống của người dân và thúc đẩy sản xuất phát triển; tạo điều kiện để người dân được lựa chọn việc xây dựng, người dân được làm và đánh giá kết quả đó. Hiện, đã có 15 tỉnh đang áp dụng cơ chế hỗ trợ vật liệu xây dựng và giao cho người dân/cộng đồng tự làm: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Bình...

Trong năm 2014 và những năm tới đây, ông Tiến cho biết, Ban chỉ đạo quốc gia chương trình MTQG xây dựng NTM sẽ cân đối một số nội dung trên cơ sở kinh nghiệm thu được từ Dự án Chia sẻ. Theo đó, ở cấp xã, sẽ thông tin trước cho xã tổng kinh phí hỗ trợ ít nhất là trong trung hạn 3 năm và số dự kiến hàng năm, có thể đề xuất cơ chế khoán. Hàng năm, giao một khoản (trọn gói) cho xã để xây dựng NTM, sau đó, xã có thể giao một phần cho các cộng đồng thôn. Triển khai việc trao quyền và nâng cao năng lực cho người dân (thôn, xã) sử dụng hiệu quả kinh phí hỗ trợ cũng như trao quyền, nâng cao năng lực cho họ về lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các khoản đầu tư. Trên cơ sở đó, đưa ra các hướng dẫn đảm bảo các khoản đầu tư phải theo định hướng kết quả thực hiện các tiêu chí xã NTM. Tựu chung lại, sẽ thí điểm triển khai việc trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương dựa vào tiêu chí đặc thù theo từng địa phương, từng vùng, miền; linh hoạt về tiến độ và phương pháp triển khai đối với từng vùng miền, có thể ở khu vực miền núi phía Bắc lấy thôn, bản là địa bàn chủ yếu, quan trọng và phải ưu tiên để thực hiện trước. Ngoài ra, lồng ghép các Chương trình, dự án trên cùng một địa bàn nông thôn; giảm bớt số lượng Chương trình MTQG: từ giai đoạn 2016-2020 và đề xuất thí điểm cơ chế “khoán” cho các xã với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ trong 3 năm (2014-2016)./.

 

Lê Anh
Nguồn dangcongsan.vn/