Bài cuối: Ưu tiên xây dựng chuỗi sản xuất khép kín

Bài cuối: Ưu tiên xây dựng chuỗi sản xuất khép kín
Xây dựng chuỗi sản xuất khép kín vừa là yêu cầu, vừa là động lực để nâng cao giá trị sản phẩm. Các chính sách hỗ trợ bảo quản, chế biến nông - lâm - thủy sản sau thu hoạch đang được tỉnh hoàn thiện để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng KHCN xây dựng chuỗi sản xuất, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

>> Bài 1: Tăng trưởng mạnh, cạnh tranh yếu!

Phát triển vùng nguyên liệu tập trung

Trong câu chuyện kể với chúng tôi về quá trình thu mua, chế biến gạo, chị Nguyễn Thị Châu - Chủ nhiệm HTX Chế biến nông sản Đức Lâm (Đức Thọ) chia sẻ những khó khăn về vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Ra đời năm 2012, HTX đã huy động nguồn vốn từ các xã viên để xây dựng nhà xưởng, kho chứa, dây chuyền chế biến gạo có công suất 12.000 tấn/năm với tổng số vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, HTX Chế biến nông sản Đức Lâm không thể thu mua đủ nguyên liệu chế biến nên nhà máy đành hoạt động cầm chừng. “Cái khó nằm ở chỗ, chất lượng, chủng loại lúa ở mỗi huyện, thậm chí ở mỗi xã không đồng nhất nên sức cạnh tranh của sản phẩm sau chế biến không cao” - chị Châu cho biết.

Bài cuối: Ưu tiên xây dựng chuỗi sản xuất khép kín
Tổ chức lại hình thức sản xuất gắn với việc phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, thực hiện hiệu quả khâu bảo quản, chế biến.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, vụ xuân 2013, bà con nông dân đã liên kết xây dựng được hơn 3.700 ha sản xuất cánh đồng mẫu. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) - Chu Văn Dinh, do bà con đang phụ thuộc nhiều vào các đơn vị cung ứng giống, phân bón nên hiệu quả kinh tế vẫn chưa tương xứng với mức đầu tư. Các chính sách khuyến khích phát triển vùng hàng hóa tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa đồng bộ, toàn diện, do vậy, giá trị sản xuất chưa phản ánh được sự tối ưu của phương thức canh tác mới.

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp thời gian qua, rõ ràng, muốn xây dựng các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trước tiên, chúng ta cần quy hoạch và tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung với việc bố trí lại sản xuất, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng; đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, đẩy nhanh việc cơ giới hóa sản xuất trên tất cả các khâu trong các lĩnh vực sản xuất.

Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, tỉnh ta hiện có hơn 1.000 cơ sở chế biến, xay xát lúa gạo, 131 cơ sở kinh doanh lạc và 223 cơ sở, điểm giết mổ gia súc quy mô nhỏ, chủ yếu là cá thể gia đình. Ngoài Tổng Công ty KS-TM Hà Tĩnh tham gia khá thành công trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta chưa huy động được các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín. Sự vắng bóng này cũng chính là lý do gây ra những khó khăn trong khâu huy động vốn, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản.

Bài cuối: Ưu tiên xây dựng chuỗi sản xuất khép kín
Mô hình chăn nuôi lợn tập trung theo hướng hàng hóa của chị Nguyễn Thị Thanh ở xóm 7, Cẩm Quang (Cẩm Xuyên).

Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN) Bùi Phong An cho rằng, trong các khâu của chu trình sản xuất khép kín thì lợi nhuận cao nhất nằm ở công đoạn thương mại, tiêu thụ; các công đoạn còn lại vừa phải đầu tư dài hạn, mức đầu tư cao nhưng lợi nhuận lại thấp nhất. Đó cũng chính là lý do khiến các DN không mặn mà với việc đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến sâu. Do vậy, cần phải xây dựng cơ chế hỗ trợ khoa học đủ mạnh hỗ trợ DN phát triển và nhân rộng các mô hình bảo quản, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác nhận quyền sở hữu các mặt hàng của địa phương.

Trong các mặt hàng nông sản ở tỉnh ta thời gian qua, hình hài của một sản phẩm hàng hóa thể hiện rõ nhất từ lạc. Song, công nghệ chế biến sản phẩm này cũng chỉ dừng lại ở mức thủ công, thô sơ, chỉ có một số cơ sở áp dụng công nghệ chế biến hiện đại như máy sấy, máy bóc vỏ lạc do Việt Nam sản xuất. Sản lượng lạc hiện nay của tỉnh ta khoảng 39.000 tấn/năm, hàng năm, tỷ lệ thất thoát từ khâu bảo quản, chế biến khoảng 1.950 - 2.340 tấn, quy đổi giá trị mất khoảng 39 - 46,8 tỷ đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Đường - chủ DN tư nhân Ngọc Đường (Xuân Hải - Nghi Xuân) thì tổng sản lượng thu mua lạc bình quân của DN khoảng 2.000 tấn/năm, hiện đơn vị này chỉ mới thực hiện được công đoạn bóc vỏ với máy có công suất từ 15 - 20 tấn/năm, số còn lại đều nhập thô cho các đối tác. Ông Đường cho rằng, do sản phẩm qua chế biến, phân loại chưa nhiều nên khi xuất sang thị trường Trung Quốc khó cạnh tranh được với lạc của Ấn Độ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù tỉnh ta đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển cho bảo quản, chế biến đối với một số sản phẩm đã có, nhưng chính sách riêng để khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm và phát triển thương mại chưa rõ, đặc biệt là việc đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ mới vào chế biến sâu, chế biến tinh một số sản phẩm chính của tỉnh có tiềm năng.

Thiết nghĩ, để xây dựng được những sản phẩm mạnh, mang thương hiệu Hà Tĩnh, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế các mặt hàng nông sản cho người nông dân, việc khuyến khích, hỗ trợ DN bằng các cơ chế thông thoáng, đủ sức hấp dẫn các DN tham gia vào khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân là hết sức cần thiết.

 

Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương: Phát triển thương mại nông thôn trong chuỗi sản xuất khép kín

Thực hiện đồng bộ các mục tiêu, giải pháp trong đề án phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng NTM của tỉnh sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng các chợ và trung tâm thương mại, chúng tôi sẽ củng cố và phát triển các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối nhằm khơi thông thị trường. Phát triển mạnh mạng lưới thu mua, phân phối, bán lẻ hàng hóa nông sản thông qua việc xây dựng, mở rộng các chợ đầu mối, các cửa hàng, siêu thị ở những nơi thuận lợi về giao thông.

Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN: Ưu tiên bảo quản, chế biến các sản phẩm chủ lực của địa phương

Bảo quản, chế biến sau thu hoạch phải được tiến hành đồng bộ, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng, từng lĩnh vực, trước hết, tập trung cho các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các làng nghề truyền thống. Thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích đẩy mạnh việc hình thành các nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo công suất trên 500 tấn/năm tại các vùng sản xuất lúa của tỉnh; xúc tiến đầu tư xây dựng các nhà máy có quy mô lớn và công nghệ hiện đại chế biến sản phẩm từ lạc tại khu công nghiệp Gia Lách (Nghi Xuân) và Nhà máy sản xuất các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng từ hươu sao Hương Sơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư dây chuyền giết mổ 1.000 con/ca và Nhà máy Chế biến súc sản xuất khẩu của Tổng Công ty KS-TM tại huyện Kỳ Anh.

Ông Võ Đức Nhân - Phó Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh: Hình thành mối quan hệ cung - cầu bền vững

Mặc dù thương hiệu rượu Sâm Nhung được chế biến từ nhung hươu đã khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường, nhưng doanh số bán ra vẫn chưa tương xứng với công suất dây chuyền và nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương. Thực tế quá trình tham gia SXKD các sản phẩm nông sản của địa phương cho thấy, muốn nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các phương thức chế biến hiện đại, bên cạnh sự tiếp sức, hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục đầu tư, đổi mới dây chuyền, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng ta cần có cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, hình thành mối quan hệ cung - cầu bền vững. Đồng thời, xây dựng chiến lược dài hạn phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng của các nhà máy, cơ sở chế biến tinh.


Ngô Tuấn
Nguồn Báo Hà Tĩnh