Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn Hiệu quả từ mô hình liên kết chăn nuôi lợn ở Yên Bái

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn Hiệu quả từ mô hình liên kết chăn nuôi lợn ở Yên Bái
Trước vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), việc liên kết sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị hiện đang là mô hình khá phổ biến tại Yên Bái. Hình thức này không chỉ giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, có nguồn gốc mà còn giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, không bị tư thương ép giá.
Liên kết để làm giàu

Theo giới thiệu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái Trần Thế Hùng, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Đầm Mỏ, thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, TP Yên Bái. Dù đã quá trưa nhưng Giám đốc cũng như nhân viên vẫn đang miệt mài chăm sóc đàn lợn theo quy trình lợn sạch. Lau những giọt mồ hôi lã chã trên chán, Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ: Đã mấy đời nay gắn bó với vùng đất này, nhận thấy tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, tuy nhiên hấu hết người dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, chính vì điều đó tôi đã quyết định xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi lợn sạch, mở ra cơ hội làm giàu cho bản thân và người dân trên quê hương. Ông Thanh cho hay, ông đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng trang trại trên diện tích 5ha, chia thành nhiều khu gồm lợn nái và lợn thương phẩm, tổng cộng hơn 3.000 con lợn. Tất cả các yêu cầu từ xây chuồng trại đến khâu chọn giống, vệ sinh, chăm sóc, giết mổ đều bảo đảm ATVSTP, theo chuẩn VietGap. Con giống được nhập từ Đan Mạch, thức ăn do Tập đoàn thức ăn chăn nuôi De Heus Hà Lan cung cấp. Mỗi năm công ty xuất bán từ 2.000 - 2.600 con lợn, thu lãi gần 2 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với phương thức chăn nuôi cũ trước đây.

Nhận thấy mô hình chăn nuôi lợn sạch có tiềm năng, ông Thanh đã vận động các hộ trong thôn cùng liên kết sản xuất theo quy trình VietGap. Ông Giàng A Kim là một trong những hộ đầu tiên hưởng ứng mô hình với số lượng gần 200 con chia sẻ: “Tôi rất thích nuôi lợn theo mô hình mới này, từ con giống đến thức ăn đều được công ty hỗ trợ. Đặc biệt, khi giá lợn bán xuống thấp, chúng tôi cũng được công ty hỗ trợ”. Cũng giống như ông Kim, hộ gia đình bà Lê Thị Gấm sau nhiều lần bị thương lái ép giá đã khiến bà buộc phải “treo chuồng” hơn ba năm nay. Chỉ đến được ông Kim giới thiệu Công ty Đầm Mỏ hỗ trợ con giống, bao tiêu đầu ra thì bà Gấm mới quyết định đầu tư tiếp: “Tôi sống trên mảnh đất này đã 47 năm hết trồng trọt lại chăn nuôi nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Đến năm 2016, nhờ Công ty Đầm Mỏ vận động hướng dẫn chăn nuôi lợn khép kín, sau khi trừ chi phí cũng lãi ít nhất 25 - 30 triệu đồng/năm, bà Gấm bộc bạch.

Cơ chế khuyến khích liên kết sản xuất

 Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 đã nêu rõ mục tiêu phát triển đàn gia súc giai đoạn 2016 - 2020 trọng tâm theo hướng tăng về năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất gia tăng của các sản phẩm chăn nuôi. Cụ thể, đàn lợn tăng bình quân 3,2%/năm, từ 519.344 con năm 2015 lên 608.000 con năm 2020.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái Trần Thế Hùng

Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ Nguyễn Hồng Thanh cho biết: Mục tiêu của mô hình là nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình. Các hộ chăn nuôi theo quy trình VietGap được công ty thực hiện chuỗi liên kết khép kín từ cung cấp giống, thức ăn, giết mổ. Đối với người tiêu dùng, hiện chúng tôi đã mở chuỗi cửa hàng bán thịt lợn sạch, an toàn tại TP Yên Bái. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã ký kết với công ty De Heus Việt Nam và công ty thực phẩm sạch Vinh Anh (Hà Nội) để tiêu thụ sản phẩm. Đây là hai đơn vị rất uy tín chuyên cung cấp thịt tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn cho các nhà hàng, siêu thị... Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái Đàm Duy Đức cho biết, hiện tỉnh Yên Bái chưa có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi, bởi phần lớn các hộ vẫn có thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tiếp cận thông tin, khai thác thị trường hạn chế. Để thực hiện theo quy trình này, người chăn nuôi phải bảo đảm được các quy định như: Không dùng chất tăng trưởng, ghi chép sổ sách chuồng trại, không bán lợn mới được tiêm kháng sinh. Cơ sở chăn nuôi, sản xuất của Công ty Đầm Mỏ là đơn vị đầu tiên đăng ký chăn nuôi theo quy trình VietGap ở TP Yên Bái, ông Đức khẳng định.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái Trần Thế Hùng cho biết: Phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi là một trong những nội dung quan trọng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để các mô hình liên kết hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi, đồng thời các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, tăng cường tập huấn để nâng cao nghiệp vụ quản lý trong chuỗi liên kết.

Có thể khẳng định, mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP thời gian qua tại Yên Bái không chỉ giúp người dân an tâm mở rộng chăn nuôi làm giàu mà còn góp phần hưởng ứng phong trào gắn kết từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm chất lượng ATVSTP.

Theo Phương Anh/daibieunhandan.vn