Chuyện về người thương binh “phá núi, bạt rừng” kiếm tiền tỉ mỗi năm
- Thứ tư - 01/03/2017 04:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tàn nhưng không phế
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm về xã Kỳ Lâm để gặp ông Lê Viết Hừng, một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi vào hạng nhất nhì vùng thượng huyện Kỳ Anh. Ông là người mà bất cứ người dân nào nơi đây khi nghĩ tới đều đọng lại sự nể phục về nghị lực của một cựu binh “tàn nhưng không phế”.
Cựu binh Lê Viết Hừng đang say sưa kể về quá trình lập nghiệp trên quê hương |
Tiếp chúng tôi bên ấm chè xanh, ông Hừng trầm tư hồi tưởng lại quá khứ khó khăn đến tận cùng của bản thân và gia đình.
Ông kể: “Đất nước hòa bình, tôi xuất ngũ trở về quê hương vào năm 1976. Tài sản mang về chả có gì ngoài những thương tật, những cơn đau thể xác quằn quại. Rồi ngày lập gia đình, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn, khi mà phải lập nghiêp xây dựng gia đình chỉ với hai bàn tay trắng. Khổ sở vô cùng!”
Ngày đó, nơi cái miền quê nghèo của ông mọi người đều nghèo. Những năm 80 của thế kỷ trước, ở quê ông từng đoàn người kéo nhau vào Nam với hi vọng thoát nghèo; ông Hừng và vợ cũng không nằm ngoài những người nuôi hi vọng đó.
Thế nhưng, những mộng tưởng đổi đời ở miền đất mới nhanh chóng vụn vỡ với vợ chồng ông.
Cựu binh Lê Viết Hừng |
Bởi rằng, nơi đất khách quê người này làm ăn đối với một người khỏe mạnh đã khó huống hồ chi ông còn mang trên mình những thương tật từ chiến tranh để lại. Không có vốn làm ăn, vợ chồng ông chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Mặc dù vậy, trong thời gian làm thuê trên đất khách với tư duy nhanh nhẹn của anh lính Cụ Hồ, ông đã để ý tìm tòi, học hỏi được một số kiến thức về chăn nuôi, làm vườn rừng, trang trại… Để rồi từ đó, hai vợ chồng ông quyết định trở về quê lập nghiệp vì nghĩ rằng không đâu bằng quê hương mình.
Đến ông chủ trang trại vang danh
Năm 2001, hai vợ chồng ông lại quay trở về quê hương. Và cũng tại vùng đất này, bằng chính bàn tay và khối óc của mình, vợ chồng ông bắt đầu xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Ông Hừng kể: “Sau khi nghiên cứu kỹ các vùng đất bỏ hoang tại xã, vợ chồng tôi đã làm đơn xin UBND xã Kỳ Lâm nhận lại vùng đất tại đập Cây Rễ với diện tích 12 héc - ta đất để xây dựng mô hình hình VAC.
Điền trang bạc tỉ của người cựu chiến binh |
Những ngày đầu nhận đất, cả làng đều nghĩ tôi là “kẻ dở người”. Bởi vì nơi đây ngày xưa chỉ là vùng đồi núi hoang vu, cây cối um tùm, đất đá ngổn ngang...
"Tức chí bấm chí” hai vợ chồng chúng tôi quyết tâm làm bằng được, để chứng minh cho mọi người thấy “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Chúng tôi dựng một căn lều tạm, dắt díu đàn con lên theo ở lỳ trên đó, phát quang bụi rậm, san đất, đập đá… cực khổ vô cùng tận. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sao thời đó mình làm được như vậy?”
Dần dần với ý chí, nỗ lực không ngại khó, ngại khổ hai vợ ông Hừng đã biến vùng đất hoang vu thành cơ ngơi hoành tráng.
Năm 2013, với kinh nghiệm học hỏi được từ các mô hình và sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là với sự hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, vợ chồng ông đã quyết tâm xây dựng trang trại chăn nuôi lợn liên kết quy mô 1200 con.
Theo đó, gia đình ông bỏ vốn để đầu tư chuồng trại hiện đại, đạt chuẩn, đảm bảo các yêu cầu về diện tích, ánh sáng, nhiệt độ, xử lý chất thải… công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Đầu tư 2 chuồng nuôi lợn với quy mô 1200 con, mỗi năm trừ chi phí trang trại đem lại cho gia đình ông Hừng khoảng 500 triệu đồng. |
Với hình thức đó, ông đã đầu tư xây dựng 2 chuồng nuôi lợn với quy mô 1.200 con mỗi năm. Hai chuồng lợn này đem lại cho gia đình ông khoảng 500 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả mọi chi phí.
Ngoài việc phát triển mô hình nuôi lợn, ông còn phát triển các diện tích trồng rừng và các loại mô hình khác như trồng cây nguyên liệu, đào ao thả cá, nuôi hàng nghìn con gà, chuồng nuôi lợn rừng… mỗi năm cũng đem lại cho gia đình ông vài trăm triệu đồng.
Với các mô hình này, mỗi năm gia đình ông Hừng thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng, trong đó thu từ 2 chuồng lợn 500 triệu đồng, nuôi lợn rừng, bò, trâu 100 triệu đồng, thu từ sản phẩm cây lâm nghiệp, cây ăn trái 400 triệu đồng.
Với sự nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm, đến nay cuộc sống của gia đình ông đã ổn định, trang trại được xây dựng khang trang, có cảnh quan ao hồ thoáng mát.
Không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho gia đình mình, ông Hừng đã dành nhiều tâm huyết truyền dạy kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt của bản thân để những người dân nghèo nơi quê có được cơ hội làm giàu như ông. Hiện trang trại của ông đã tạo điều kiện làm việc thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với mức lương 5 triệu đồng/ tháng.
Không dừng lại ở đó, năm 2014, nhận thấy tại các xã vùng trên chưa có lò giết mổ gia súc, người dân vẫn giết mổ nhỏ lẻ tại nhà hoặc tại các khu chợ, không được kiểm tra vệ sinh thú y triệt để khiến cho nguy cơ gây nhiễm dịch bệnh cao, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường bị ảnh hưởng, ông đã mạnh dạn bỏ ra số tiền 1,5 tỉ đồng để xây dựng lò mổ phục vụ cho nhu cầu cho người dân 5 xã vùng trên của huyện Kỳ Anh.
Cựu chiến binh Lê Viết Hừng cũng là người tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và đảm nhận các chức vụ Phó chủ tịch hội Nông dân xã, hội viên hội Cựu chiến binh xã…
Đàn lợn rừng chờ ngày xuất chuồng của gia đình ông Hừng. |
Ông Phạm Thái Hòa, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm nhận xét: “Thương binh Lê Viết Hừng là hội viên điển hình vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường; chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Với những nỗ lực vượt khó và những đóng góp của mình,vào năm 2008 ông Lê Viết Hừng được vào Phủ Chủ tịch gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và được tặng quà vì thành tích “Những người có công điển hình làm kinh tế giỏi”; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen và nhiều giấy khen của UBND huyện Kỳ Anh và các đoàn thể huyện Kỳ Anh trao tặng.
Theo Hà Vũ - Đặng Sơn/ Infonet