Gỡ nút thắt liên kết sản xuất
- Thứ tư - 25/12/2019 04:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân liên kết sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. |
Sự tăng cường liên kết hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp, xu hướng phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, nông sản có đầu ra tốt hơn.
TP. Cần Thơ gieo sạ 3 vụ lúa trong năm đạt diện tích trên dưới 230.000ha, với sản lượng lúa đạt trên dưới 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, phần lớn nông dân SX lúa đều có diện tích canh tác ít. Để khắc phục tình trạng SX nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển mô hình cánh đồng lớn (CĐL) và mô hình liên kết SX gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.
Mô hình CĐL được triển thực hiện từ vụ hè thu 2011 tại Cần Thơ với diện tích ban đầu chỉ 400ha nhưng gần đây đã tăng lên ở mức trên dưới 25.0000 ha/vụ. Trong đó, vụ đông xuân 2019 và hè thu 2019, CĐL đạt diện tích hơn 29.000 ha/vụ, với trên 21.200 hộ dân tham gia.
Ông Võ Văn Rô ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ cho biết, từ năm 2013, ông và nhiều hộ dân tại địa phương đã tham gia mô hình CĐL và được Cty Trung An cung ứng nhiều vật tư đầu vào đến cuối vụ mới thanh toán tiền và bao tiêu lúa đầu ra, giá từ bằng đến cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ, hướng dẫn bà con áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới để giảm chi phí, lúa đạt năng suất, chất lượng tốt, nâng cao lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo ông Rô, việc nhân rộng các mô hình trên còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nông dân, doanh nghiệp còn thiếu vốn đầu tư và khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. |
Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy cho biết, thời gian qua HTX gặp khó trong liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ, nhất là đưa hàng vào siêu thị. Đối tác đòi hỏi phải có sản phẩm liên tục, chất lượng ổn định và nhiều loại rau... nhưng lại chậm thanh toán tiền. Nông dân thì muốn bán hàng lấy tiền ngay để đầu tư tái sản xuất vì đồng vốn có hạn.
Theo ông Đỉnh, HTX Rau an toàn Long Tuyền có 18 thành viên, với diện tích hơn 6ha, mỗi năm có thể SX trên 450 tấn rau các loại. Hiện các sản phẩm rau an toàn của HTX đã được cung ứng cho nhiều bếp ăn tập thể của doanh nghiệp và trường học.
Theo nhiều kinh doanh gạo tại TP Cần Thơ, thời gian qua doanh nghiệp rất quan tâm liên kết với nông dân để đầu tư vùng nguyên liêu lúa hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ ở nội địa.
Tuy nhiên, nhìn chung mới xây dựng được vùng nguyên liệu đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu tiêu thụ, còn lại phải thu mua bên ngoài về chế biến nên khó truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp rất muốn mở rộng thêm vùng nguyên liệu nhưng còn gặp khó về vốn và nguồn nhân lực.
Để phát triển lúa gạo bền vững cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. |
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thực hiện mô hình cánh đồng liên kết, CĐL để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững.
Thế nhưng CĐL khó nhân rộng do thiếu vốn để thực hiện. Để cánh đồng liên kết thành công, cần có vốn để xây nhà máy sấy lúa và phải có nơi chứa. Doanh nghiệp thanh toán tiền lúa cho nông dân ngay sau thu hoạch nên cần vốn rất lớn...
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Sở tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận các chính sách ưu đãi. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo Hoàng Vũ - Văn Cộng/nongnghiep.vn