Nhờ liên kết chăn nuôi lợn với Công ty Cổ phần CP Việt Nam, gia đình ông Đàm Thọ ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trở triệu phú trên vùng đất khó
Đầu năm 1990 anh Thọ từ thành phố Vinh, Nghệ An trở về quê lập nghiệp, trải qua nhiều nghề như buôn bán vào nam ra bắc, ngược xuôi chạy hàng, làm thợ xây,… nhưng cuộc sống của gia đình anh vẫn bấp bênh. Nhiều lần anh đã ấp ủ ước mơ “đổi đời” bằng con đường làm trang trại, nuôi lợn…
Thông qua công tác tuyên truyền của cán bộ NTM huyện, xã Lộc Yên cùng với số vốn có trong tay và vốn vay từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo quyết định 26, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, ký kết hợp đồng chăn nuôi gia công với Công ty cổ phần chăn nuôi CP.
Để bảo vệ môi trường khi chăn nuôi lợn quy mô lớn, ông đã đầu tư trên 100 triệu đồng để xây dựng hầm biogas. Ông chia sẻ "Làm ăn ngoài nghĩ cho mình thì còn phải nghĩ cho xã hội, hơn nữa nếu không xây hầm biogas, môi trường ô nhiễm liệu trang trại của tui tồn tại đến bao giờ". Đầu tư tốn kém nhưng lợi ích mà hầm biogas mang lại cực kỳ lớn, môi trường xung quanh trang trại luôn được đảm bảo, gia đình ông có một nguồn khí gas phục vụ cho việc đun nấu, thắp sáng trong sinh hoạt và chăn nuôi.
Ông Thọ chia sẻ về kinh nghiệm làm chuồng trại
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra mô hình
Ngoài ra ông Thọ đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà, lợn rừng, bò lai, nuôi cá, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp…Để tận dụng hết tiềm năng lợi thế ông đã mạnh dạn nuôi tổ ong, sau những lần nuôi thử nghiệm. Đến nay trang trại của ông đã có hơn 400 tổ ong, mỗi tháng thu hoạch 3 lần trên 6 tấn mật, thu về khoảng 300 triệu đồng. Theo ông Thọ, dù nuôi ong, nuôi lợn nhưng đất đai vẫn còn nhiều, bỏ hoang hoặc trồng keo thì phí, ông tiếp tục tìm hiểu một số giống cây công nghiệp và cây ăn quả phù hợp với đất đai để trồng. Thế là hơn 2ha diện tích đất được phủ kín cây dó trầm và hơn 200 gốc cam lai. Quả thật đất không phụ lòng người, mỗi năm vườn cam của ông cho thu hoạch hơn 300 triệu đồng, 120 cây cây dó trầm đang thời kỳ thu hoạch, cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Với những thành công bước đầu trong chăn nuôi tập trung gia đình ông Thọ đang xây dựng thêm một khu chuồng trại quy mô 600 con và đầu tư trồng khoảng 5 ha cao su tiểu điển. Trang trại của ông Thọ đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động mùa vụ với thu nhập từ 200 -250 ngàn đồng/người/ngày.
Chia sẻ lí do chọn mô hình chăn nuôi gia công, ông Thọ cho biết “Để làm kinh tế trang trại, vấn đề quan trọng là sản phẩm làm ra phải tìm được nơi tiêu thụ ổn định, có ký kết bao tiêu sản phẩm nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá hoặc mất mùa, mất giá”
Ông Nguyễn Thừa Lộc, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê cho biết: "Mô hình liên kết chăn nuôi được UBND tỉnh, huyện hỗ trợ để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả cho người nông dân. Đến nay, toàn huyện đã có 6 hộ gia đình đầu tư phát triển trang trại để chăn nuôi gia công lợn cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP, thu lãi trên 4 tỉ đồng".