Khai thác trí tuệ tầm cao trong phong trào khởi nghiệp
- Thứ ba - 25/06/2019 22:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh sản xuất gạo trên dây chuyền hiện đại.
Là doanh nghiệp tiên phong xây dựng giá trị liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh đã xây dựng và đầu tư dây chuyền công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với công suất vận hành 25.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - người sáng lập công ty cho biết, trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, công ty đã ứng dụng KH&CN trong tất cả các khâu như: Tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Đặc biệt, công ty có nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và tiêu chuẩn HACCP, trong đó có hệ thống sấy công suất 150 tấn/ngày cùng với hệ thống Silo chứa gạo, hệ thống xay xát, đóng gói, bảo quản đạt tiêu chuẩn cao. Tuy thời gian triển khai chưa dài nhưng đã đạt được kết quả bước đầu.
Được biết, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh dự định ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa; cùng đó là xây dựng nhà máy chế biến bột sữa gạo trong năm 2019.
Nhiều chương trình hỗ trợ, phát động khởi nghiệp được các cấp ngành Hà Tĩnh quan tâm,
tổ chức nhằm khuyến khích thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
Để cụ thể hóa và tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh, năm 2018, Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Nhờ đó, thời gian qua, công tác tài chính đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm nhằm kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp được triển khai có hiệu quả.
Cụ thể, Tỉnh đoàn kêu gọi và thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (500 triệu đồng) nhằm hỗ trợ cho các dự án thanh niên khởi nghiệp; Trường Đại học Hà Tĩnh kêu gọi sự hỗ trợ về tài chính và tư vấn cố vấn từ Trung tâm Hoa Kỳ - Đại sứ quán Mỹ để hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp sinh viên; UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh) và đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh (Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh)…
Ngoài các nguồn tài chính trên, Sở KH&CN đang phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan huy động, thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu ứng dụng dây chuyền công nghệ thiết
bị sản xuất gạch không nung tự động hóa hoàn toàn.
Đến nay, Hà Tĩnh đã xây dựng và phát triển hơn 750 mô hình kinh tế, mô hình khởi nghiệp thanh niên có quy mô đầu tư trên 200 triệu đồng SXKD có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho thanh niên.
Tiêu biểu có Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) ứng dụng dây chuyền công nghệ thiết bị sản xuất gạch không nung tự động hóa; Công ty TNHH Phần mềm Phi Long (TP Hà Tĩnh) thiết kế, lập trình phần mềm; HTX Thiên Phú (Nghi Xuân) ứng dụng công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời; HTX Huệ Hùng (Thạch Hà) ứng dụng giải pháp thức ăn sinh học có bổ sung thảo dược trong chăn nuôi lợn thương phẩm…
“Trên cơ sở các chính sách đã ban hành, thời gian tới, ngành KH&CN tiếp tục liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST nhằm tạo nguồn lực về tài chính, chuyên gia tư vấn kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo cho các dự án khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các chương trình kết nối nghiên cứu và chuyển giao KH&CN với các nguồn cung ứng công nghệ có sẵn trong và ngoài nước, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên của địa phương. Xúc tiến, kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để hỗ trợ, đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của địa phương” - Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Huy Trọng cho biết
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn