Mô hình chuỗi sản phẩm chè sau 3 năm triển khai thực hiện

Mô hình chuỗi sản phẩm chè sau 3 năm triển khai thực hiện
Kỳ Thượng là một xã miền núi của huyện Kỳ Anh, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và cây công nghiệp, trong đó cây chè giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế của người dân. Tuy vậy do nhiều nguyên nhân cả về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cả về chính sách đầu tư khuyến khích phát triển, cây chè vẫn chưa thực sự trở thành cây công nghiệp mũi nhọn đúng với tiềm năng sẵn có của nó. Ngoài ra, do người sản xuất còn bị ảnh hưởng bởi tập quán sản xuất truyền thống, lạc hậu, chậm thích ứng với xu thế kinh tế thị trường, chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho cây chè nên chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế còn thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường kém.


Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp khuyến khích ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trước thực trạng đó, để tạo bước chuyển biến trong sản xuất chè theo hướng phát triển bền vững nhất là sự bền vững trong chuỗi giá trị từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường. Được sự hỗ trợ của dự án CIDA, năm 2014 Tiểu ban quản lý dự án tại Trung tâm khuyến nông đã xây dựng mô hình “Chuỗi sản phẩm chè” tại xã Kỳ Thượng – huyện Kỳ Anh. Với mục tiêu mở rộng diện tích trồng chè, nâng cao sản lượng và tính cạnh tranh mặt hàng chè thông qua sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt chất lượng cao hơn, sản phẩm an toàn đạt VietGAP, liên kết với thị trường, tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định lâu dài cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình đã đạt được những kết quả cao như mở rộng diện tích trồng chè tập trung lên 43ha, nâng cao nhận thức cho người nông dân trong sản xuất, chất lượng chè được nâng cao nhờ việc áp dụng hình thức bảo vệ thực vật tập trung và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập của người nông dân tăng 20%. Đặc biệt hình thành được mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia chuỗi từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh; nâng cao được kiến thức quản lý an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, người trồng chè; cải thiện được tình trạng đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè; giá chè được nâng lên theo từng năm, từ 6.700đ/kg năm 2014 lên 7.150đ/kg năm 2016.
 
Với những khó khăn ban đầu khi xây dựng mô hình chuỗi giá trị như các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, nhận thức của người dân không cao, không có tổ chức đứng ra tập hợp người dân, hạ tầng phục vụ sản xuất không đảm bảo, không có điểm thu mua tập trung và người dân không được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sau 3 năm triển khai với việc xây dựng các hoạt động phù hợp với nhu cầu của địa phương và người dân, mô hình chuỗi sản phẩm chè đã khắc phục được những điểm yếu trong chuỗi giá trị như nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các cuộc tập huấn và tham quan tại tỉnh Phú Thọ; năm 2014 thành lập THT chè công nghiệp Kỳ Thượng và chuyển đổi lên HTX chè vào năm 2016; Ký hợp đồng tiêu thụ 100% sản phẩm với Xí nghiệp chè 12/9; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất và nhà thu mua tập trung nhằm khắc phục tình trạng chè quá lứa và bị ôi ngốt.

Đánh giá tại hội nghị tổng kết mô hình, các đại biểu nhận xét việc xây dựng mô hình với các hoạt động triển khai đã đi đúng hướng với xu thế phát triển hiện nay và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc hỗ trợ trồng mới chè đã góp phần tăng diện tích chè tập trung trên địa bàn lên 43ha, tạo nguồn thu nhập thường xuyên, lâu dài và ổn định cho bà con nông dân. Tạo công ăn việc làm, thu hút nguồn lao động, nâng cao thu nhập và đời sống cho lao động nông thôn. Góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và hiệu quả cao có sự gắn kết và tạo lòng tin giữa HTX sản xuất với bà con nông dân và giữa HTX sản xuất với doanh nghiệp thu mua nhằm phát triển sản xuất một cách quy mô và bền vững đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặt khác mô hình đã giúp nông dân liên kết một cách có hiệu quả nhất với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, cũng như được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Tạo ra nguồn hàng hóa lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời một số hoạt động như hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất và nhà thu mua tập trung đã giúp người nông dân tăng năng suất lao động, đảm bảo kịp thời vụ, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trước đây người nông dân không biết cây trồng nào cho thu nhập chính nhưng sau khi tham gia mô hình, người dân nhận thức được rằng cây chè sẽ là cây cho thu nhập chính trong thời gian tới, giá trị kinh tế mà cây chè mang lại cho người dân cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác trên địa bàn.

Có thể nói, với kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện, mô hình chuỗi sản phẩm chè đã và đang mở ra những hướng đi mới, tích cực, cho thấy những tín hiệu vui từ chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản đang được chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống nông dân góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo Đặng Thị Thuận/sonongnghiephatinh.gov.vn