Người thương binh đi đầu trong sản xuất kinh doanh giỏi.

Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính đã phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Ở thôn Tân Cầu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tấm gương thương binh hạng 1/4 Nguyễn Giang Nam là một điển hình.

Khi mới 18 tuổi, ông Nguyễn Giang Nam đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tham gia kháng chiến. Trong trận đánh “Đội tranh” trên đường 72 Thừa Thiên Huế, ông đã bị thương nặng. Năm 1982, do bị thương tật ông phục viên quân hàm và trở về địa phương. Khi trở về với cuộc sống đời thường, ông lập gia đình trong điều kiện gia đình khó khăn, làm gì để bảo đảm cuộc sống là câu hỏi luôn trăn trở trong ông. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nam đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân sản xuất giỏi đi trước và được tiếp cận các lớp chuyển giao KHKT của huyện. Ông quyết định đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Những ngày đầu khó khăn vất vả, hai vợ chồng cả ngày lăn lộn trồng cây, làm cỏ và chăn nuôi lợn, gà. Từ sáng sớm đến chiều tối không lúc nào thấy họ rời cái cuốc, cái liềm.

Mô hình kinh tế của ông Nguyễn Giang Nam ở thôn Tân Cầu, xã Kỳ Hợp.

Với diện tích rừng 19 ha, hiện tại ông đang sở hữu 06 ha gió trầm, còn lại là tràm nguyên liệu kết hợp chăn nuôi trên 1000 gà thương phẩm. Theo ông Nam, chỉ tính riêng thu hoạch từ cây gió trầm, năm 2016 ông đã cho thu về trên 2 tỷ đồng, còn với cây tràm nguyên liệu, ông cho thu về 500 triệu trong năm 2015 - 2016. Ông Nguyễn Giang Nam cho biết: “Tôi thấy mô hình trồng gió trầm rất hiệu quả, thương lái rất ưa chuộng bởi đặc tính và giá trị của cây gió rất cao, giá mỗi cây gió trầm đạt 580 nghìn/cây, những cây lâu năm thì hiệu quả kinh tế lại cao hơn rất nhiều. Bên cạnh cho thu nhập cao, thì trồng rừng còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp giảm hiện tượng biến đổi khí hậu trong tương lai…”. Ông Nam cho biết thêm: “ Sau quá trình trồng gió trầm, thì khâu kỹ thuật cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển của cây, nếu áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, đúng quy trình thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn gấp rất nhiều lần. Nếu như bình thường cây gió cho thu hoạch sau 16 năm, nhưng áp dụng đúng KHKT thì cây gió sẽ cho thu hoạch sau 10 năm, rút ngắn được thời gian cho thu hoạch 6 năm…”.

Nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, ông quan niệm phải giúp đỡ đồng đội, nhân dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống khó khăn. Có những người từ xa lặn lội tìm đến, ông đều truyền đạt kinh nghiệm và còn giúp cây giống, con giống để khởi nghiệp.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Nam còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, gương mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, tham gia góp công góp của làm đường giao thông nông thôn, sẵn sàng giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế với những hội viên cựu chiến binh và nông dân có hoàn cảnh khó khăn nên được người dân yêu mến, quý trọng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận về thành tích xuất sắc trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Là tấm gương sáng trong vượt khó vươn lên làm giàu thành công và tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế địa phương, ông được UBND huyện tặng nhiều Bằng khen, gia đình nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa…

Thành quả sau những ngày tháng miệt mài của người thương binh “tàn nhưng không phế” là  mô hình kinh tế với nguồn thu nhập lớn và cuộc sống khang trang mà nhiều người mơ ước./.

 


Theo Hoàng Hạnh/http://kyanh.hatinh.gov.vn