Nuôi cá lồng trên đập Khe Còi

Nuôi cá lồng trên đập Khe Còi
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Kỳ Anh đã biết tận dụng mặt nước để phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng, tạo việc làm, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng.

 

Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước, nhiều người dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy hải sản với kỳ vọng thành công mô hình nuôi cá lồng. Sau khi đi tham quan tìm hiểu thực tế ở nhiều nơi, nhiều hộ dân ở xã Kỳ Xuân đã cùng chung vốn, chung chí hướng và ý tưởng phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Tháng 7 năm 2016, Tổ hợp tác nuôi trồng  thủy hải sản xã Kỳ Xuân đã nhận đấu thầu vùng đập Khe Còi để xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông. Buổi đầu bắt tay vào xây dựng mô hình, các hộ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kỷ thuật, thiếu con giống và nguồn vốn đầu tư. Song với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản xã Kỳ Xuân đã đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông với quy mô 22 lồng bè, mỗi lồng bè 36 m2. Sau khi xây dựng mô hình, tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải Kỳ Xuân đã thả các loại cá diêu hồng, cá chép, cá trê phi…. Ông Nguyễn Văn Thạch Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh cho biết thêm; “ Qua gần 1 năm triển khai mô hình, tôi thấy mô hình nước đầu đã cho thu nhập khá, chất lượng cá đảm bảo, được thị trường tiêu thụ khá ổn định. Đặc biệt, đó là các thương lái bao tiêu sản toàn bộ sản phẩm cho tổ hợp tác Giá bán loài cá này dao động trong khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg ”.

 

Hiệu quả của mô hình đã đánh thức được tiềm năng nuôi cá lồng bè trên khe đập có tại địa phương. Tăng thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, đồng thời cũng góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Vào những ngày cao điểm, tổ hợp tác giải quyết việc làm cho  10-17 lao động, còn bình thường tạo việc làm cho 6 người với mức thu nhập 6 triệu đồng/ 1 tháng.

Cá diêu hồng thích nghi với điệu kiện môi trường tại địa phương. So với các loài khác, cá diêu hồng có nhiều ưu điểm nổi trội như ít bị nhiễm các loại bệnh thường gặp; phát triển nhanh; dễ nuôi, thịt thơm ngon. Ông Lê Đình Đức- Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh nói; “ Tôi nghĩ rằng, việc đóng góp xây dựng mô hình kinh tế trong xây dựng Nông thôn mới là vấn đề quan trọng. Từ đó, anh em trong tổ hợp tác đã mạnh dạn đi tham quan học hỏi ở các tỉnh Miền bắc và Miền nam để xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên quê hương Kỳ Xuân. Sau những ngày gian khó, tổ hợp tác đã tìm được thị trường tiêu thụ ở tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, đặc biệt là Hà Tĩnh, bình quân mỗi ngày hiện, tổ hợp tác  cung cấp từ 450 -500 kg cá điêu hồng/ngày cho các thương lái. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ  tiếp tục mở rộng mô hình thêm 6 lồng bè như thế này ”.

Mô hình nuôi cá lồng bè góp phần thay đổi nhận thức người dân trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá trong lồng nói riêng theo hướng tận dụng diện tích mặt nước, tạo ra sản phẩm thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn./.


Mạnh Hải, Phạm Tuấn/ Kyanh.hatinh.gov