Phát triển hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao: Đòn bẩy từ chính sách

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao: Đòn bẩy từ chính sách
Theo thống kê, cả nước hiện có 11.668 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN). Tuy nhiên, chỉ có 193 HTX bước đầu ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của các HTX NN CNC đang là bài toán cấp thiết cần tìm lời giải.
Nhiều lợi ích
Là vùng chăn nuôi bò sữa tập trung lớn của Hà Nội với lượng chất thải phát sinh mỗi ngày gần 10 tấn, ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề nan giải ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Nhận thức được nguy cơ trên, HTX Làng Gióng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ xử lý phân hữu cơ bằng giun quế và chế phẩm sinh học. Đến nay, lượng phân bò phát sinh tại xã Đặng Xá đã được HTX thu gom, xử lý triệt để. Không chỉ giúp giải bài toán ô nhiễm, sản phẩm sau xử lý trở thành phân vi sinh có giá trị kinh tế cao.
Những năm qua, HTX rau an toàn thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ nổi lên như là một trong những địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp rau an toàn cho thị trường Hà Nội. Trên diện tích 50.000m2, đơn vị này đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới phun sương, lắp đặt hệ thống camera giám sát ngoài đồng ruộng và truy xuất nguồn gốc điện tử. Việc ứng dụng CNC vào sản xuất không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho thành viên HTX. 
Với 13 HTX NN đã và đang ứng dụng CNC vào sản xuất, Hà Nội là địa phương đứng thứ ba cả nước về số HTX NN CNC, sau Lâm Đồng (36 HTX) và Long An (14 HTX). Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí sản xuất. Quan trọng hơn là tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội.
Hai bài toán khó
Việc ứng dụng CNC trong sản xuất tại các HTX NN đã, đang diễn ra phổ biến ở các địa phương trong cả nước và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Dù vậy, các mô hình hiện còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm được nhân rộng. Con số 193 HTX NN CNC của cả nước cho đến nay là rất khiêm tốn so với tiềm năng. Đánh giá về nguyên nhân, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho rằng, không có thị trường công nghệ và khó tiếp cận nguồn vốn là hai bài toán nan giải nhất. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nhưng đến nay, chưa có HTX NN CNC nào được vay từ gói hỗ trợ tín dụng 100.000 tỷ đồng (?!) Bên cạnh đó, rất ít HTX NN chủ động liên kết ứng dụng CNC trong sản xuất, mà đều cần trợ lực quan trọng từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Để thúc đẩy các HTX NN ứng dụng CNC vào sản xuất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020; Chương trình ứng dụng CNC trong nông nghiệp đến năm 2020... Thí điểm hình thành các đơn vị tư vấn hỗ trợ HTX NN ứng dụng CNC. Tăng cường liên kết giữa các DN với HTX; đồng thời, có cơ chế khuyến khích các tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ vốn sản xuất cho HTX.
Liên quan tới bài toán vốn, đại diện một số HTX NN kiến nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Đây sẽ là trợ lực cần thiết để các HTX NN có được “điều kiện đủ”, từng bước ứng dụng CNC vào sản xuất.
Theo Trọng Tùng/kinhtedothi.vn