Ba Tri Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Ba Tri Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Từ trang trại Nuôi dê...
Dù mới được hình thành gần 1 năm, nhưng đến nay, trại nuôi dê Thành Công tại ấp Phước Thới, xã Phước Tuy (Ba Tri) không ngừng phát triển về quy mô, số lượng, từng bước hình thành mô hình chăn nuôi trang trại tập trung vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở địa phương.


Sau thời gian tìm tòi nghiên cứu, chọn địa điểm, điều kiện môi trường chăn nuôi, cuối năm 2014, anh Trần Hữu Chí ở xã Phú Ngãi quyết định đầu tư trại dê Thành Công. Để tìm con giống về nuôi, anh Chí bỏ công lặn lội nhiều nơi để chọn mua nhưng hầu hết các cơ sở cung cấp con giống trong tỉnh đều không đáp ứng được yêu cầu. Sau khi được người thân giới thiệu, anh lên các tỉnh miền Đông để chọn mua những con dê giống đẹp, thích hợp với tiêu chí thành lập trại dê của mình. Ban đầu, anh mua 76 con dê nái, phần lớn là giống dê Bách Thảo và một số giống dê Bo (gốc Ấn Độ).
Để đảm bảo chuồng trại đúng quy cách, anh Chí mạnh dạn đầu tư xây dựng một dải chuồng nuôi nhốt theo hướng quy mô, rộng rãi, thông thoáng và vệ sinh môi trường. Chuồng nuôi có diện tích trên 200m2, được xây cất theo hình thức nhà sàn lót gỗ. Anh phân nhỏ mỗi chuồng nuôi có diện tích 9m, nuôi từ 6 - 10 con/chuồng nhằm tiện việc chăm sóc.
Nhờ thường xuyên cập nhật thông tin, chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi để áp dụng tại cơ sở mình, đến nay, đàn dê của anh Chí phát triển rất tốt, hầu hết dê nái giống đều sinh sản từ 1 - 2 dê con. Hiện tại, tổng đàn dê của anh trên 160 con.

Trại nuôi dê Thành Công. Ảnh: Thiện Tài
Với sự phát triển nhanh về số lượng và hiệu quả kinh tế bước đầu từ con dê, mới đây, anh Chí tiếp tục đầu tư phát triển thêm cơ sở nuôi dê thứ hai ngay tại xã Phú Ngãi, diện tích chuồng 200m2, số lượng dê gần 60 con.
Chủ trại dê Thành Công Trần Hữu Chí cho biết: Dê là con vật rất dễ nuôi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và môi trường tại địa phương. Nguồn thức ăn cho dê rất phong phú và dễ tìm như lá cây xanh, so đũa, bông bụp, bàng, cỏ, lá tre, trúc... nhưng để chủ động nguồn thức ăn cho số lượng lớn đàn dê của mình, anh Chí đã sử dụng hơn 1ha diện tích đất để trồng các loại cây, cỏ thích hợp, vừa đảm bảo độ dinh dưỡng vừa an toàn cho dê.
Dê có quá trình sinh trưởng nhanh và chu kỳ sinh sản 2 lần/năm. Thông thường dê nái 8 tháng tuổi (khoảng 25 - 30kg) sẽ bắt đầu phối giống, thời gian mang thai 4 tháng rưỡi sẽ sinh sản, mỗi lần sinh từ 1 - 3 dê con. Dê có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, các bệnh thường gặp ở dê như tụ huyết trùng, lở mồm long móng và tiêu chảy. Nếu biết cách phòng ngừa, đây không phải là vấn đề lo ngại đối với người chăn nuôi.
Hiện tại, giá dê trên thị trường luôn ổn định ở mức cao (trung bình giá dê thịt khoảng 115 ngàn đồng/kg hơi; dê giống khoảng 4,5 triệu đồng/con dê giống 35kg) nên gần đây, nghề nuôi dê ngày càng phát triển mạnh bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Theo anh Trần Hữu Chí, mục tiêu hướng tới của trại dê Thành Công là phát triển nhanh về số lượng từ 600 - 700 con, đảm bảo phủ kín các chuồng trại hiện có. Bởi theo anh Chí, trại dê đã liên kết đầu ra với các cơ sở thu mua dê thịt trong và ngoài tỉnh, do đó, việc phát triển đàn dê là mục tiêu chính của trang trại. Ngoài ra, trại dê cũng ưu tiên cung cấp con giống chất lượng cho người nuôi, đồng thời đảm bảo thu mua lại nguồn dê thịt cho người nuôi theo giá thành hợp lý. Đây là tín hiệu đáng mừng, giải tỏa những lo lắng tồn tại bấy lâu nay của người chăn nuôi, đồng thời mở ra hướng đi mới cho những người nuôi dê trong huyện.
Anh Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tuy cho biết: “Trại dê Thành Công bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hướng tới sẽ tổ chức nhân rộng mô hình cho người dân trong xã nhằm chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế ở địa phương. Trước mắt, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên nông dân tham quan mô hình để học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, đồng thời phối hợp với trại dê Thành Công cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho người dân trong xã với giá thành vừa phải”.
... Đến Nuôi cua trong vuông tôm
Nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua ở ấp An Bình, xã An Hiệp (Ba Tri). Vài năm trở lại đây, mô hình “2 trong 1” này mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân từ 10 - 15 triệu đồng/công/năm.
Ấp An Bình là vùng đất được phù sa bồi đắp, nằm giữa sông Hàm Luông, có diện tích tự nhiên trên 100ha, trong đó, có hơn 70ha nuôi tôm biển công nghiệp, 8ha nuôi tôm quảng canh và tôm xen lúa.
Việc phát triển nuôi cua trong thời gian qua ở An Bình luôn gắn liền với nuôi truyền thống, quảng canh và cả tôm lúa. Trong cách nuôi truyền thống, người dân chỉ nuôi tôm sú, còn cua biển ít ai quan tâm đến nhưng cua rất thích nghi với môi trường này, cho giá trị kinh tế cao, ổn định, vì vậy người dân mạnh dạn đầu tư nuôi loại đặc sản này với mong muốn tăng thêm thu nhập và đã mang lại hiệu quả cao.
Anh Lê Văn Chín, một trong những nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi cua trong vuông tôm cho biết, cua nuôi ít xảy ra dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là ruốc, cá vụn sẵn có tại địa phương, tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên chi phí thấp. Với 2.000m2 đất nuôi tôm quảng canh, anh thả nuôi 1.000 con cua giống, mỗi con có giá từ 1 - 2 ngàn đồng. Sau 3 tháng nuôi, anh thu hoạch được hơn 200kg, bình quân 4 con/kg, bán với giá 180 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 20 triệu đồng.

Nông dân ở ấp An Bình, xã An Hiệp vui mừng vì có thêm thu nhập nhờ nuôi cua xen trong vuông tôm. Ảnh: Trần Xiện
 “Để cua nuôi phát triển tốt, tôi đặt 2 tầng bộng trong ao. Tầng bộng đầu tiên, tôi đặt sát đáy ao để khi thu hoạch xong, cải tạo ao xổ nước được cạn. Tầng bộng thứ hai, tôi đặt lửng ở trên để khi xổ thì nước vẫn còn trong ao, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cua. Bộng này phải được bọc sắt để cua không cắn. Nhờ giữ được nước trong ao từ bộng lửng này nên tôi thường xuyên xổ nước. Sống trong môi trường nước sạch, thường xuyên thay đổi nên cua nuôi phát triển tốt và ít bị bệnh. Bên cạnh đó, để bảo quản cua, tôi rào lưới xung quanh ao (rào xiên) để cua khó trèo lên và không thoát ra bên ngoài”.
Trong mùa vụ năm nay, nông dân ở An Bình thả nuôi cua biển trong vuông tôm chiếm 90% diện tích. Bình quân mỗi công đất nuôi tôm, nông dân thu nhập thêm từ 10 - 15 triệu đồng từ nuôi cua. Không dừng lại ở đó, từ hiệu quả này, trong năm tới, nông dân ở An Bình sẽ nuôi thử nghiệm cua trong vuông tôm công nghiệp trong thời gian ngưng vụ để tăng thêm thu nhập.
Ông Võ Hoài Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp cho biết: “Thời gian gần đây, nông dân ở ấp An Bình đã mạnh dạn nuôi cua xen trong vuông tôm quảng canh và đã mang lại hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi tập trung  tuyên truyền cho nông dân trong ấp biết về hiệu quả của mô hình này để nhân rộng, đầu tư nuôi nhằm tăng thêm thu nhập, đặc biệt là vận động các hộ nuôi tôm công nghiệp tận dụng thời gian trong lúc ngưng vụ nuôi cua”.
Có thể nói, nuôi cua biển trong vuông tôm ở ấp An Bình, xã An Hiệp đã thật sự mang lại hiệu quả. Tin rằng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục phát triển, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân trên cùng vuông nuôi, đưa nghề nuôi trồng ở địa phương phát triển bền vững.
Theo Thiện Tài - Trần Xiện/baodongkhoi.com.vn/
  •