Bình Phước: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng dưa lưới sạch

Bình Phước: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng dưa lưới sạch
Đầu tư gần 2 tỷ đồng cho 6 sào (1 sào = 1000m2) nhà lưới để trồng dưa lưới, mỗi năm thu 4 vụ, mỗi vụ cho lãi 50 triệu đồng/sào (200 triệu đồng/sào/năm). Đó là hướng đi mới của nông dân Nguyễn Hữu Thọ, ngụ tổ 2, ấp Phú Thành, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Hiện nay, mô hình này được coi là mô hình hiện đại, theo hướng công nghệ cao duy nhất tại thị xã Bình Long.

Người nông dân ham học hỏi.

Ý tưởng trồng rau củ quả theo hướng hữu cơ trong nhà lưới của ông Thọ có từ những năm 2010. Khi ông có ý định thực hiện thì mọi người cho ông là “Người không bình thường”, hơn nữa tại tỉnh Bình Phước nói chung và thị xã Bình Long nói riêng cũng chưa có ai làm, mô hình này chỉ mới xuất hiện ở một số nơi như Đà Lạt, Mộc Châu,… Không từ bỏ niềm đam mê, hai bố con ông Thọ đã rong ruổi cả tháng trời để đi Đà Lạt, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm, kĩ thuật trồng, kết hợp tìm tòi các thông tin từ mạng internet, sách báo để tham khảo, áp dụng. Song những nơi ông đã đi qua cũng chỉ cho ông tham khảo chứ không thể áp dụng trực tiếp các mô hình của Đà Lạt, Đồng Nai vào Bình Long được. Cuối cùng ông đúc kết muốn thành công người nông dân phải hội đủ 5 yếu tố là: Tâm huyết, đam mê, ham học hỏi; Có mặt bằng, điều kiện tự nhiên như nguồn nước, đất…; Có vốn; Có khả năng tiếp cận thông tin; Maketing sản phẩm.

Không từ bỏ ý định, cuối năm 2016 ông Thọ bắt tay vào đầu tư, thuê công ty tư vấn, xây dựng 6 sào nhà lưới kiên cố, hiện đại để trồng dưa lưới và rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao, đồng thời ông trực tiếp tham gia học lớp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng VietGAHP.

 

Một góc nhà lưới trồng dưa của ông Thọ

 

Mạnh dạn áp dụng kĩ thuật mới, vượt trội.

Ông xây dựng nhà lưới hiện đại với hai lần cửa ra vào, lưới dày màu trắng để hấp thu ánh sáng mặt trời và ngăn ngừa các loại sâu bệnh, nước mưa...

Về kĩ thuật, ông dùng hoàn toàn phân hữu cơ ủ kỹ trong 6 tháng cho hoai mục gồm: tro, trấu, xơ dừa, phân bò, phân gà, phân dơi, hạn chế tối đa dùng phân hóa học.

Ông cũng chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa. Theo ông, cần xới đất, phơi nắng, bón phân lót khoảng hai ba tuần thì xuống giống. Đất làm thành luống, mỗi luống rộng 1,2m; đường đi 1m. Mỗi luống trồng 2 hàng với mật độ 40 x 40 (cm) (1500 cây/sào). Mặt luống phủ hoàn toàn bằng màng ni lông đen để ngăn cỏ dại và giữ ẩm. Mười ngày đầu sau khi trồng cần đặc biệt chú ý đến các bệnh như: nấm, thối rễ, héo lá, nhũn thân… Khi cây bắt đầu ra hoa, cứ 1 sào ông thả hai thùng ong mật vào để ong thụ phấn cho dưa trong vòng năm ngày. Khi cây đậu trái thì lựa chọn một trái đạt yêu cầu để lại, các trái còn lại cắt bỏ hết; kết hợp cắt chồi, tỉa lá gốc ở độ cao khoảng 70-80 cm so với mặt đất để tạo sự thông thoáng cho gốc dưa, sau đó bón giảm lượng đạm, tăng lượng kali, canxi. Ngày tưới nước bốn lần bằng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt với liều  lượng 1 lít/cây/ngày (mỗi lần tưới 250 ml/cây). Sâu bệnh hầu như không đáng kể, nếu có thì dùng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, định kì 15 ngày/lần, như vậy vẫn đảm bảo thời gian cách ly. Sau 70-80 ngày dưa lưới cho thu hoạch. Với năng suất trung bình 2 kg/cây, tương đương với sản lượng 3 tấn/sào. Giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, cho tổng thu 90 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí (kể cả công lao động), ông còn lãi khoảng 50 triệu đồng/sào.

 

Ông Thọ kiểm tra vườn dưa

 

Theo ông tính toán, chỉ sau 18 tháng trồng, ông sẽ thu hồi lại được toàn bộ số vốn đầu tư ban đầu (khoảng 2 tỷ đồng đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tự động) và bắt đầu có lãi. Sau mỗi lứa thu hoạch, chuẩn bị đất, cày xới, phơi nắng, bón phân lót 2-3 tuần thì trồng vụ tiếp theo. Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày, ông Thọ dùng dụng cụ đo độ ngọt của dưa và khống chế độ ngọt ở mức nhất định (12 độ) để đảm bảo chất lượng dưa tốt nhất. Ông dự tính sẽ trồng luân canh một vụ dưa, một vụ rau. Hiện nay ông đã làm thử nghiệm việc ghép dưa lên gốc bầu và đã có một số thành công nhất định để tăng sức đề kháng của dưa.

Ông Thọ cho biết: Trồng dưa lưới rất nhàn, đầu tư ban đầu hơi lớn song thu được sản phẩm sạch, an toàn, không phụ thuộc vào thời tiết, ngăn ngừa được sâu bệnh hại, chi phí cho thuốc trừ sâu, bệnh hầu như không đáng kể. Bất kể người nông dân nào hội tụ đủ năm yếu tố như ông Thọ nói ở trên đều có thể làm được. Đây cũng là hường đi phù hợp khi thị trường rau quả không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Đầu ra cho dưa lưới hiện nay của ông đã được xuất bán ở trong tỉnh và các siêu thị lớn. Tuy nhiên nếu mở rộng quy mô nhiều hơn nữa thì phải khảo sát lại nhu cầu thị trường. Vì đây là loại trái cây bổ dưỡng, ngon sạch, an toàn, giá bán không cao song cũng không phải là thấp so với đại đa số người tiêu dùng ở nông thôn. Vì vậy mong muốn của ông là xây dựng được chuỗi của hàng cung ứng rau quả sạch từ trang trại đến người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định và được các cấp các ngành hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn nữa.

Hiện nay tại Bình Long nói riêng và Bình Phước nói chung cũng chưa nhiều người biết đến mặt hàng dưa lưới do vậy cần phải làm tốt khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Nguyễn Thị Hạnh/khuyennong.gov.vn