Bỏ lương nghìn đô làm nông nghiệp sạch
- Thứ năm - 14/06/2018 20:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Đình Hải và Nguyễn Thị Trâm ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, Lương Tài, Bắc Ninh.
Trắng tay không lùi bước
Nguyễn Đình Hải tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội còn Nguyễn Thị Trâm là cử nhân của ĐH Giao thông Vận tải. Trâm quê Nam Định còn Hải là trai Kinh Bắc, hai người yêu nhau từ thời sinh viên. Tốt nghiệp ra trường Hải đầu quân cho Samsung. Với nỗ lực của bản thân Hải nhanh chóng được đề bạt vị trí trưởng phòng Sản xuất với mức lương gần 2.000 USD/tháng, con số mơ ước với rất nhiều bạn trẻ.
“Sau khi kết hôn bọn em quyết định trở về quê…trồng rau. Đây quả thực là một quyết định rất khó khăn của cả hai vợ chồng. Ngay cả bố mẹ đã rất buồn và tìm nhiều cách khuyên ngăn không muốn bọn em bỏ việc”, Hải chia sẻ.
Trở về quê, với số tiền dành dụm được từ khi còn đi làm, hai vợ chồng quyết định thuê 10 mẫu đất ruộng để trồng măng tây xanh. Hải cho biết, sở dĩ trồng loại cây này vì có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở Đà Lạt và Ninh Thuận, tiêu thụ ngoài Bắc khó khăn vì cước vận chuyển cao trong khi nhu cầu ngày càng lớn và quan trọng hơn là “thấy thích thì làm”.
Với 10 mẫu ruộng, hai vợ chồng quyết định trồng hết măng tây xanh. Vụ đầu tiên thất bại thảm hại, cây hỏng nhiều không bán được. Số tiền hơn 300 triệu đồng đầu tư bốc hơi, hai vợ chồng rơi vào nợ nần. Trả ruộng thuê, hai vợ chồng xin mượn bố mẹ 5 sào ruộng quyết tâm làm lại từ đầu. Trên 5 sào ruộng, họ bắt đầu thử nghiệm lại với nhiều giống măng tây khác nhau để tìm ra giống cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu. Lên mạng interner tìm hiểu, tham khảo các chuyên gia, những người có kinh nghiệm, cuối cùng họ đã tìm ra giống măng tây xanh nhập từ Mỹ là phù hợp nhất.
Phải là người tiên phong
Sau khi trồng thành công giống măng tây xanh nhập từ Mỹ, một bài toán khó khăn khác đặt ra với vợ chồng Hải- Trâm là làm thế nào tiêu thụ được sản phẩm? Hải phải dành phần lớn thời gian ở đồng ruộng bởi nếu chỉ 1-2 ngày không chăm sóc thì sâu bệnh phát triển nhanh chóng, hoặc măng già có khi phải bỏ cả lứa. Còn Trâm khi đó, con còn nhỏ nhưng phải tự mình đi tìm kiếm thị trường. Trâm đi khắp Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... có khi vài ngày mới trở về nhà. “Ban đầu nhiều nhà hàng còn không biết là rau gì, nấu thế nào. Nhiều lúc mình phải tự xào, nấu để họ ăn thử. Nhiều nhà hàng chỉ lấy vài cân mình vẫn phải ship tận nơi, tiền vận chuyển còn đắt hơn cả tiền rau nhưng vẫn phải làm”, Trâm kể.
Nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đến nay 2 vợ chồng Hải - Trâm bắt đầu thu về những “trái ngọt”. Sản phẩm măng tây của 2 vợ chồng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, mở ra những cơ hội mới. Hai vợ chồng quyết định thành lập Cty TNHH Xuất Nhập khẩu Nông sản Hải Phong (viết tắt Cty Hải Phong), tạo dựng dần thương hiệu cho sản phẩm của mình. Hiện nhiều đại gia trong ngành bán lẻ đã trở thành đối tác của Cty Hải Phong, như: Big C, VinMart, Fivimart... Diện tích sản xuất nông sản của Cty Hải Phong cũng được nâng lên 5 ha, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 25 lao động. Ngoài ra, Cty Hải Phong còn ký hợp đồng liên kết sản xuất với 4 hộ trong vùng, tổng diện tích khoảng 4ha. Hiện Cty Hải Phong có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Chia sẻ về những kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, chị Nguyễn Thị Trâm cho biết: Đây là ngành sản xuất rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, sát sao với công việc. Vốn đầu tư lớn nhưng khả năng xoay vòng chậm. “Phải lăn xả vào mà làm nhưng cũng phải nghiên cứu kỹ, chuẩn bị sẵn sàng về tài chính, sức lực thì mới có cơ hội thành công. Em cũng rất tâm đắc với một câu nói: Mình không phải là người giỏi nhất nhưng phải là người tiên phong”, Trâm chia sẻ.
“Phải lăn xả vào mà làm nhưng cũng phải nghiên cứu kỹ, chuẩn bị sẵn sàng về tài chính, sức lực thì mới có cơ hội thành công. Em cũng rất tâm đắc với một câu nói: Mình không phải là người giỏi nhất nhưng phải là người tiên phong”.
Chị Nguyễn Thị Trâm, chủ doanh nghiệp Hải Phong