Cần Thơ: Sản xuất lúa sạch
- Thứ ba - 30/01/2018 19:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2017 TP Cần Thơ đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”. Đây là cơ hội giúp nông dân và DN gắn kết xây dựng thương hiệu địa phương, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vụ ĐX 2017-2018 nông dân SX lúa sạch ở Cần Thơ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm |
Để thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, thành phố không ngừng mở rộng diện tích trồng lúa, đến nay đạt trên 21% diện tích SX lúa trên cánh đồng lớn, đạt trên 19.000ha/vụ.
Địa phương đang xây dựng quy trình SX lúa sạch đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và các tiêu chí về lúa sạch làm cơ sở công nhận chuỗi. Mục tiêu là nâng cao trình độ SX của người nông dân trồng lúa theo kỹ thuật tiên tiến và áp dụng các quy trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, đảm bảo tăng lợi nhuận cho người SX.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Cần Thơ cho biết: Tham gia mô hình cánh đồng lớn lúa sạch nông dân SX cùng một giống chất lượng cao trên cùng một cánh đồng, áp dụng kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng và mẫu mã, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các HTX và DN tham gia SX lúa sạch trong vụ ĐX phải ký biên bản ghi nhớ, áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng và “1 phải, 5 giảm”, xây dựng quy trình lúa sạch về dư lượng thuốc BVTV, xây dựng chuỗi liên kết SX và tiêu thụ lúa gạo. Cụ thể: Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) và HTX Hiếu Bình; Cty CP Gentraco và HTX Đại Lợi; Cty Trung An và HTX An Xuân; Cty CP Giống cây trồng Thái Bình và HTX Khiết Tâm.
Thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị lúa sạch, HTX Khiết Tâm ở xã Thạnh Lợi ở huyện Vĩnh Thạnh đã nhanh chóng tìm hướng đi mới, khuyến khích thành viên và người dân SX. Bên cạnh việc nâng cao SX, lợi ích của các thành viên cũng được HTX quan tâm.
Anh Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm cho biết: Những năm trước đây, trình độ SX của nông dân còn lạc hậu, SX nhỏ lẻ theo phương thức hộ gia đình thường gặp cảnh được mùa lại mất giá, lại khó tiêu thụ. Bà con trồng lúa theo tập quán cũ như: Gieo sạ mật độ dày, sử dụng giống chất lượng kém, sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng quy trình, thu hoạch bằng thủ công gây thất thoát và chi phí SX cao, dẫn đến thu nhập thấp. Khi phát triển cánh đồng lớn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), HTX tiến hành gieo một loại giống, xuống giống đồng loạt. HTX cũng áp dụng đầy đủ các giải pháp kỹ thuật và cơ giới hóa.
Ảnh: LHV |
Đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: Dùng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm phân bón… Các kỹ thuật này được nông dân áp dụng, vừa tăng hiệu quả SX, giảm chi phí, vừa cải thiện tốt môi trường đồng ruộng.
Khi bắt tay vào SX, được sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ kỹ thuật, các viện, trường, nông dân ứng dụng thành công tiến bộ khoa học vào SX, giúp tăng năng suất, giảm chi phí. Điều làm xã viên phấn khởi hơn cả là sau khi thu hoạch lúa được HTX bao tiêu, không lo thương lái ép giá.
Hiện HTX trồng 100ha lúa giống và 240ha lúa hàng hóa theo quy trình GlobalGAP. Đối với 100ha lúa giống, HTX thu mua toàn bộ sản lượng với giá mua cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá thị trường. Còn đối với lúa hàng hóa, HTX thu mua với giá cao hơn thị trường 40 đồng/kg.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu cho biết thêm: SX lúa vẫn là ngành trọng điểm trong cơ cấu nông nghiệp của Cần Thơ với gần 88.000ha đất trồng lúa, chiếm trên 70% diện tích đất SX nông nghiệp, sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,4 triệu tấn. Mục tiêu của việc triển khai cánh đồng lúa sạch nhằm nâng cao trình độ SX của nông dân, xây dựng quy trình SX lúa sạch về dư lượng thuốc BVTV theo quy chuẩn Việt Nam. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết SX và tiêu thụ lúa gạo giữa HTX và DN luôn đảm bảo có đầu ra ổn định... |