Cựu chiến binh làm giàu ở quê

Cựu chiến binh làm giàu ở quê
Khắc phục khó khăn, tự học hỏi vươn lên, nhiều Cựu chiến binh (CCB) ở các địa phương của Nghệ An có những cách làm kinh tế hiệu quả, góp phần đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phong trào làm giàu chính đáng ở các vùng miền.

* Nuôi thỏ thu lãi 200 triệu đồng/năm

Nhận thấy nuôi thỏ thương phẩm đang ngày càng có giá trị trên thị trường nên tháng 8/2015, CCB Nguyễn Văn Dũng ở chi hội 2 xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi thỏ. Đến nay sau hơn 1 năm ông có trang trại quy mô hơn 700 con thỏ, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trang trại nuôi thỏ hơn 700 con của CCB Nguyễn Văn Dũng ở Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu.
Trang trại nuôi thỏ hơn 700 con của CCB Nguyễn Văn Dũng ở Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu.

Trước khi thử nghiệm nuôi thỏ, ông Dũng đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cải tạo gần 1 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá kết hợp gia cầm. Tuy nhiên do giá cả bấp bênh, cùng với chi phí thức ăn ngày càng tăng cao nên nhiều lần ông phải chịu lỗ.

Giữa năm 2015, ông Dũng mua 12 cặp thỏ giống trị giá 8 triệu đồng về nuôi và nhân giống. Do chưa có kiến thức cũng như kinh nghiệm chăm sóc nên chỉ sau 1 tháng, toàn bộ số thỏ đã bị chết. Tất cả tiền vốn cũng bị mất theo.

Không nản chí, ông Dũng tìm đến Trung tâm Giống vật nuôi ở Đà Nẵng để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc thỏ. Sau chuyến đó, ông tiếp tục mua 20 con thỏ giống về nuôi. Đến nay sau hơn 1 năm nuôi và nhân giống thành công, CCB Nguyễn Văn Dũng đã phát triển quy mô chồng trại với tổng đàn 700 con, trong đó thỏ bố mẹ giao động từ 120 đến 130 con, số còn lại là thỏ thương phẩm và thỏ con.

Thỏ mỗi năm đẻ 3 lứa. Nếu đầu ra ổn định, nuôi thỏ sẽ đem lại hiệu quả tích cực.
Thỏ mỗi năm đẻ 3 lứa. Nếu đầu ra ổn định, nuôi thỏ sẽ đem lại hiệu quả tích cực.

Theo tính toán của ông Dũng thỏ con nuôi khoảng 3 tháng có thể đạt trọng lượng từ 2 – 2,2kg/con, 1 tháng gia đình ông có thể bán thỏ thương phẩm một lần. Với giá thị trường từ 90.000 - 100.000đ/kg, 3 tháng nay gia đình ông đã xuất bán gần 500 con thỏ thịt, lợi nhuận thu được trên 90 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Sau khi có được con giống tôi tiếp tục vay 150 triệu đồng từ ngân hàng chính sách về sửa sang lại chuồng trại, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, đèn sưởi, lồng nhốt và ống nước tự động. Nuôi thỏ không khó song khâu chăm sóc phải tỉ mỉ. Để đảm bảo đàn thỏ sinh trưởng nhanh thì nguồn thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, chuồng trại phải thiết kế ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, đồng thời phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên và phải tiêm vắc xin phòng bệnh cho thỏ... 

* Làm giàu từ trồng rừng và nuôi bò

Sau khi tham gia vào chiến trường lào chiến đấu bảo vệ tổ quốc. năm 1981, Lương Văn Xuyên xuất ngũ trở về bản Na Chạng xã Tiền Phong  (Quế Phong) và lập gia đình. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng với ý chí và bản lĩnh của người lính đã thôi thúc ông vượt khó phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Thời kỳ đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cuộc sống của gia đình ông Xuyên thiếu thốn đủ đường. Khi nhà nước có chính sách giao rừng cho người dân quản lý và bảo vệ, ông đã mạnh dạn nhận 15 ha rừng ở bản Na Chạng. Thông qua hội CCB, ông vay 30 triệu để đầu tư trồng Quế. Do nguồn vốn ít ỏi không đủ thuê nhân công nên vợ chồng ông đã tự mình trồng hết diện tích đất rừng.

Mô hình trồng rừng và chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho CCB Lương Văn Xuyến. Mô hình trồng rừng và chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho CCB Lương Văn Xuyến.
Mô hình trồng rừng và chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho CCB Lương Văn Xuyến.

Sau thời gian chăm sóc, diện tích rừng Quế đã mang về cho vợ chồng ông hơn 400 triệu đồng. Nhận thấy cây Quế có giá trị kinh tế cao, nhưng lâu thu hoạch nên ông quyết định trồng keo. Lứa keo thứ nhất đã bán được hơn 300 triệu đồng, với thu nhập chính từ trồng rừng gia đình ông thoát nghèo và trở thành hộ khá. Hiện tại, lứa keo thứ hai đã bước sang năm thứ 3 và chuẩn bị cho thu hoạch.

Cùng với trồng rừng, ông Xuyên đầu tư thêm vào chăn bò theo hướng hàng hóa. Hiện nay, gia đình ông có trên 20 con, mỗi năm xuất bán 3 con thu về gần 100 triệu đồng. Gia đình ông còn đào ao thả cá và chăn nuôi gà, lợn.

Từ hiệu quả kinh tế của gia đình, ông Xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền, vận động hội viên và đồng bào trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, địa hình tại địa phương; giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Như Thủy - Thúy Hằng 
Nguồn:baonghean.vn