Du lịch vườn rau xứ biển

Kéo ống nhựa nối với mô-tơ giếng khoan, đôi tay bà Hường đung đưa nhịp nhàng trên những luống rau. Trong ánh sáng xiên buổi chiều, chùm tia nước phun cầu vồng như một màn tơ thả xuống những phím đàn xanh. Bức tranh tuyệt đẹp ở làng rau Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) bên sông Ba đang níu chân nhiều du khách.
Rau Ngọc Lãng được tưới bằng nguồn nước sạch và bón phân sinh học. Ảnh: Q.U
Sức hút từ làng rau phố biển 
 
Trong cái nắng gió và màu xanh của biển, của trời Phú Yên, còn có một không gian xanh mướt của rau được phù sa dòng sông Ba tắm gội quanh năm. Làng nghề trồng rau truyền thống Ngọc Lãng đang tạo nên sức hút lạ thường. 
 
Ngày 5/6/2015, làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa được UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 971/QĐ-UBND về Đề án phát triển du lịch cộng đồng. Đề án đã tạo điều kiện cho bà con nông dân ở Ngọc Lãng chuyển đổi cơ cấu trồng rau theo vụ sang trồng luân canh quanh năm. Du khách có thể được tham quan du lịch tour trải nghiệm “Một ngày làm nông dân trồng rau” 1 ngày, “ba cùng” với nông dân trồng rau bằng Tour “Homestay tại làng rau Ngọc Lãng” 2 ngày 1 đêm tại nhà những người nông dân trồng rau. 
 
Đề án đã tập huấn cho bà con sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án EU của Tổng cục Du lịch. TP Tuy Hòa và Sở VH-TT-DL Phú Yên là đơn vị thực hiện dự án. Từ đó, hàng năm làng rau Ngọc Lãng thu hút hàng chục ngàn du khách đến tham quan trải nghiệm. 
Nhìn khách ra vào nườm nượp, người tạo dáng, người chụp hình. Nhiều du khách say sưa không để ý còn giẫm lên cả những luống rau. Ông Huỳnh Ngọc Ấn vui vẻ: “Kệ đi. Tui tiếp xúc với nhiều khách rồi, người ta đường xá xa xôi đến nhà mình thì cứ để cho thoải mái đi. Tui được tập huấn cả kỹ năng làm du lịch rồi. Mình phải tạo không gian cho du khách tham quan trải nghiệm, phải cởi mở, phải hòa nhã với tất cả mọi người, họ mới quý mình mà đến...”. Nhưng điều thú vị ở ông Ấn còn hơn cả những gì ông được “tập huấn” là sự mộc mạc, hồn hậu của một “lão nông tri điền” gần một đời gắn bó với ruộng vườn.
 
Vườn nhà ông đã cho hàng ngàn du khách ở nơi chỉ toàn bê tông được “một ngày làm nông dân”, được trải nghiệm chân lấm tay bùn, được tự tay trồng những mầm rau xuống đất, tự nhổ lên, mang về thành phố nấu ăn. Chỉ 20 ngàn đồng cho một khách tham quan chụp hình, nhưng hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” là ông phải luôn miệng nói, cười. “Không phải khách nào mình cũng lấy tiền. Khách quanh đây, ngoài phố vào thì miễn. Đồng hương đến với nhau mà, có đáng là gì”. Được báo trước ngày hôm sau có đoàn khách 70 người là những em bé đang tham gia lớp học kỹ năng sống sẽ đến tham quan vườn của ông, mắt ông lại ánh lên: “Các em bé sẽ chơi ở khu vườn kia, tập trồng rau ở luống kia, lấy nước ở chiếc lu đã được chuẩn bị sẵn để tưới cho rau ở kia…”. Ông không đào ao trữ nước tưới rau vì lo ngại nguy hiểm cho khách nhỏ tuổi. Ông Ấn kể, nước tưới rau được khoan từ mạch nước ngầm sâu hàng chục mét, “Ba tôi cả đời ăn rau và uống nguồn nước ấy mà khỏe mạnh, sống lâu, nay đã 96 tuổi chưa về với tổ tiên”. Ông để sẵn một chum nước với chiếc gáo dừa để du khách múc uống và tự “kiểm định”. Tất cả vườn rau của ông và cánh đồng rau Ngọc Lãng đều được tưới tắm bằng nguồn nước này.
 
Chỉ vào mô đất đen nằm trước ngõ, ông nói: “Rau an toàn, rau sạch chỉ có thể sử dụng thứ này để bón mới được thôi”. Cái “thứ” mà ông nói là phân bò được mua về từng tấn, được ủ với đất mùn và vôi bột suốt nhiều tháng cho hoai mục, các mầm gây bệnh bị tiêu diệt hết, rồi trộn với đất sau khi đã làm tơi xốp, lên luống trước khi xuống giống rau. Đến đây để tận mắt thấy rằng màu xanh của những luống rau kia không phải là màu xanh “hóa học”, không phải vẻ mướt mát của thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu… mà là sản phẩm của người nông dân gò lưng cuốc đất, ủ phân sinh học, một nắng hai sương tưới tắm thì màu xanh của những luống rau ấy càng thêm đẹp, thêm giá trị đối với sức khỏe con người. Những bịch rau xanh, những quả mướp sạch, hành, hẹ, ngò, mùi… chỉ dăm mười ngàn cho vài bữa ăn và cả đồ lưu niệm làm từ trái bầu khô theo chân du khách về phố.
 
Thay đổi để làm du lịch
 
Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Ấn và bà Nguyễn Thị Hường trồng rau từ thời còn trẻ, khi chưa có điện, chưa có mô-tơ tưới nước từ giếng khoan. Họ phải cùng nhau gò lưng gánh từng thùng nước từ sông cùng bà con trong làng làm nên những ruộng rau xanh mướt dưới chân tháp Nhạn bên cầu Đà Rằng. Nhà ông Ấn ba đời làm nghề trồng rau, nhưng chưa bao giờ ông thấy công việc hàng ngày của mình như làm đất, trồng rau, tưới nước, chăm bón... lại được người ta ngắm nghía, chụp hình như bây giờ. Mới đầu ông Ấn nghĩ “Trồng rau thì có gì đáng xem đâu mà tham quan”. Thế rồi một ngày, vườn rau rộng 2.000 m2 của gia đình ông được ngành du lịch tỉnh chọn làm điểm đến du lịch canh nông cùng với 6 hộ nông dân trồng rau khác trong làng. “50 triệu đồng nhà nước hỗ trợ chẳng thấm vào đâu so với 500 triệu tôi bỏ ra để quy hoạch lại vườn rau, làm ngõ khang trang từ đường làng băng qua vườn rau vào nhà, làm nhà dừng chân, nhà vệ sinh, tôn tạo khuôn viên bờ rào…” - ông Ấn cười. Nhưng số tiền đó cũng như một sự “tiếp sức” để ông Ấn tự tin lao vào “cách làm” mới: “Tôi nghĩ từ đây mình phải thay đổi”. 
 
Du khách thích thú với sản phẩm bầu khô. Ảnh: Q.U
Du khách thích thú với sản phẩm bầu khô. Ảnh: Q.U

Trước đây, cả khu vườn rộng, ông chỉ trồng đại trà một loại rau, rồi thu hái đồng loạt, hết vụ này lại làm vụ khác; giờ đây vườn nhà ông đủ loại, rau mọc dưới đất, quả lủng lẳng trên giàn. Bầu, bí, mướp rau cải, dền, rau má, hành, ngò… được luân canh gối vụ, có luống đã lên xanh um, có luống đang thu hoạch, có luống mới nảy mầm. Ở ngoài ngõ, một nữ du khách trẻ tuổi bồng theo con nhỏ bước vào. Ông Ấn vồn vã lấy quả bầu khô lắc lắc, hạt bầu phía trong kêu lách cách, đứa trẻ thích thú nhảy nhót lên trên tay mẹ. Ông lấy quả bầu khô khác có khoét lỗ lắc cho mỗi du khách một chiếc kẹo trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Từ giống bầu hồ lô từ thời cha ông để lại, không lai tạo, ông Ấn đã trồng và thu hái hàng ngàn quả, để khô tạo nên nhiều sản phẩm để bán cho du khách: như bầu thư pháp, bầu trang trí, bầu kẹo, bầu ru bé ngủ. Ngồi trong nhà dừng chân được làm bằng tre nứa, lợp rơm rạ tạo dáng kiến trúc hình nấm, thi thoảng ông Ấn lại ngước mắt nhìn lên nóc nhà, có ý nhắc mọi người rằng ở đó còn có một điều thú vị khác. Hàng chục quả bầu hồ lô quả non, quả già lúc lỉu “chui” qua mái rơm treo ở trên đầu. Ông Ấn cười có vẻ đắc ý lắm vì dường như đã phô diễn được óc sáng tạo của mình. Đáng quý nhất là ngôi nhà cổ ba gian, cột gỗ tường đất hơn 100 năm tuổi chứng kiến sự ra đời, lớn lên, trưởng thành của 5 thế hệ trong gia đình ông đã được ngành văn hóa trao bằng di sản kiến trúc cần bảo tồn. Trong không gian của vườn rau, hàng trầu quấn thân cau, cùng chum nước gáo dừa, kiến trúc của ngôi nhà trở thành chủ thể trung tâm của bức tranh phong cảnh một miền quê thanh bình. 
 
Cùng với du lịch biển, những người nông dân như gia đình ông Ấn ở làng rau Ngọc Lãng đang làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, mời gọi du khách đến với xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh”. Tuy nhiên, hoa nở có mùa, rau Ngọc Lãng thì bốn mùa tươi xanh.
 
QUỲNH UYỂN/baolamdong.vn