Gặp người “đánh thức” đất hoang thành trang trại "vàng"
- Thứ bảy - 18/08/2018 23:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Những áp lực từ cuộc sống đã khiến vợ chồng tôi phải luôn phải suy nghĩ để tìm mọi cơ hội làm ăn nhưng vì cách làm manh mún, cuộc sống của cả gia đình vẫn mãi không khấm khá lên được. May mắn thay, đến năm 2010, nhà nước có cơ chế chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, tôi đã bàn với chồng vay mượn bà con, họ hàng mua lại 3ha đất để khai khẩn trồng cam, phát triển kinh tế”.
Bằng chính sự nỗ lực và mong muốn thay đổi cuộc sống gia đình, anh chị đã biến vùng đất hoang sơ, cây dại mọc che cả lối đi… thành trang trại bạt ngàn cây trái. Sau gần 10 năm miệt mài vun trồng, trang trại của gia đình chị Thu nay đã được mở rộng gần 14ha với hơn 5.000 gốc cam, bưởi, chanh mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
“Những năm đầu bắt tay vào khai khẩn, vùng đồi núi này còn rất hoang sơ, chưa có một bóng người. Vất vả bủa vây hai vợ chồng bởi đường đi lầy lội, điện, nước đều không có. Chúng tôi đã phải làm lán, đóng một chiếc giường tre ngủ tạm và nấu ăn bằng bếp củi để ở lại trong trại cày xới đất, phát quang bụi rậm. Anh lại bận việc thôn, xóm nên đã có những lúc hai vợ chồng phải làm cả vào ban đêm, soi đèn pin đào từng cái hố. Biết bao công sức, mồ hôi của hai vợ chồng đã đổ xuống vùng đất này thì gia đình tôi mới có trang trại như ngày hôm nay”, chị Thu nhớ lại.
Để tích lũy thêm kiến thức trồng cam, chị đã sắp xếp tham gia hầu hết các lớp tập huấn kỹ thuật do phòng nông nghiệp huyện cùng các đoàn thể trong xã tổ chức. Chị còn “khăn gói” đến các địa chỉ trồng cam nổi tiếng của huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thượng Lộc… học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho vườn nhà mình.
“Cam là một trong những loại cây ăn quả rất khó chăm bón. Trong quá trình phát triển, cây rất dễ bị nhiễm nấm, sâu bướm châm chích ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, tôi càng muốn đi tham quan, tìm hiểu nhiều “tiền bối” đi trước để có thêm kinh nghiệm và hiểu biết”, chị Thu tâm sự.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công làm lãi”, sau 4 năm chăm bón, “đất không phụ công người người”, gần 1.000 gốc cam của chị đã sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, cho quả đều, đạt năng suất gần 12 tấn/ha.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc trồng cam, năm 2015, chị đã bàn với chồng thuê thêm 4ha đất đồi của các gia đình lân cận. Với tổng cộng 14h ha đất hiện có, chị đã triển khai trồng thêm gần 4.000 gốc cam và một số cây ăn quả khác như bưởi, chanh, chanh đào....
Không dừng lại ở đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả, năm 2016, gia đình chị đã đăng kí tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh và được hỗ trợ vật tư, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cam. Đồng thời, chị còn bỏ ra gần 400 triệu xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cả trang trại để vừa tiết kiệm nước vừa đảm bảo sự phát triển của cây .
Chị Thu chia sẻ: “Từ khi áp dụng kỹ thuật thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm cam tăng hơn nhiều, được thị trường ưa chuộng. Qua quá trình học hỏi kỹ thuật, tôi đã biết được cách dùng các chế phẩm sinh học để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững của cây cam trong trang trại”.
Khi hỏi về những dự định sắp tới, chị cho biết, gần 10 năm gắn bó với vùng đất này, dù đã có được những quả ngọt, song gia đình chị vẫn tiếp tục đầu tư, phát triển mô hình thêm nữa. Bằng nỗ lực vươn lên, vợ chồng chị đã “đánh thức” những tiềm năng vốn có của địa phương, đem lại “quả ngọt” cho cuộc sống hôm nay.