Hà Tĩnh: Nâng cao hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Thứ sáu - 06/07/2018 03:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã tập trung tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc chuyển đổi, phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân. Theo đó chính quyền các địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả để đưa vào quy hoạch chuyển đổi thành từng vùng sản xuất hàng hóa đối với cây trồng cạn. Trên cơ sở quy hoạch quỹ đất và vùng sản xuất, các địa phương đã lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước và thị trường để chuyển đổi; đồng thời, chú trọng tổ chức thực hiện liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các địa phương đều tuân thủ theo nguyên tắc thực hiện chuyển đổi linh hoạt để khi cần là có thể chuyển sang trồng lúa ngay và chỉ thực hiện chuyển đổi khi loại cây đưa vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chủ trương của các địa phương là động viên bà con nông dân tích cực chuyển đổi các giống cây trồng ngắn ngày, chịu hạn, chịu nóng tốt như đậu tương, đậu xanh, lạc, ngô… thay thế cho khoai lang, vừng, sắn…để hạn chế thiệt hại và tăng thêm thu nhập, đồng thời góp phần cải tạo, bảo vệ đất, nhất là với những vùng đất xấu, bạc màu.
Đậu xanh là cây màu dễ trồng, đầu tư thấp, chịu hạn khá mà hiệu quả lại cao. Nhà ông Phan Văn Nhuần, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ có 4 sào đất trước đây trồng khoai lang thu nhập không cao, nên ông đã quyết định chuyển tất cả sang trồng giống đậu xanh chịu hạn, chịu nóng VN93 của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Nhờ có sức chịu hạn, chịu nóng tốt, lại ít sâu bệnh gây hại nên đậu sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là tỷ lệ đậu trái cao, hạt chắc và khá mẩy. Bên cạnh đó, cây đậu xanh không cần tưới nhiều nên người trồng đậu ít phải đầu tư công sức chăm sóc. Chỉ sau hơn 2 tháng gieo trỉa, cây đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Trong cả vụ, người dân có thể thu hoạch từ 4-5 đợt, năng suất bình quân đạt khoảng 80-85 kg/sào. Với những lợi thế như vậy nên cây đậu xanh đã được người dân nhiều địa phương chọn để trồng ở các diện tích không chủ động nước trong vụ Hè thu.
Theo ông Nguyễn Đình Chuyên – cán bộ nông nghiệp xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tại địa phương, sản xuất ngô theo hướng liên doanh liên kết để cung cấp sản phẩm thô xanh cho các cơ sở chăn nuôi bò, bò sữa trong và ngoài tỉnh đang là hướng chuyển đổi phù hợp của xã trong vài năm trở lại đây. Một số diện tích không phù hợp để sản xuất ngô, bà con được khuyến cáo nên mạnh dạn triển khai sản xuất bằng các giống đậu xanh. Trồng đậu xanh có ưu điểm là tiết kiệm được nguồn nước nên phù hợp với những vùng có nguy cơ bị hạn. Ngoài ra, trồng đậu xanh còn giúp cải tạo, tăng độ phì cho đất.
“Vụ Hè thu 2018, vùng núi huyện Vũ Quang có kế hoạch sản xuất 380 ha lúa, 1.050 cây trồng cạn. Để thích ứng với điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, năm nay huyện Vũ Quang chủ trương chuyển đổi gần 40 ha đất lúa không chủ động nước thuộc các xã: Ân Phú, Đức Lĩnh, Sơn Thọ sang trồng đậu xanh. Thời gian này, bà con nông dân Vũ Quang tiếp tục gieo trỉa đậu, tăng diện tích theo kế hoạch. Để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về gieo trỉa các loại cây màu cho bà con nông dân ngay từ đầu vụ, qua đó giúp bà con chuyển đổi theo quy hoạch sản xuất, có hiệu quả trên quy mô lớn”, ông Võ Quốc Hội - Giám đốc Trung tâm ƯDKHKT và BVCTVN huyện Vũ Quang cho biết thêm.
Sản xuất vụ Hè thu năm nay chịu nhiều áp lực về thời vụ và diễn biến phức tạp của thời tiết. Từ thực tế đó, việc rà soát, đánh giá lại điều kiện sản xuất của từng vùng để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng là yêu cầu hết sức cần thiết. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục bám sát, chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp./.