Hà Tĩnh: Nhìn lại chặng đường đã đi của Tổ hợp tác chế biến hàng nông sản Tuyết Hoa

Hà Tĩnh: Nhìn lại chặng đường đã đi của Tổ hợp tác chế biến hàng nông sản Tuyết Hoa
Thấm thoắt 4 năm trôi qua, hôm nay chúng tôi ngồi lại, cùng nhìn về chặng đường đã đi với bao vất vả, thăng trầm nhưng cũng không ít sự phấn khởi, niềm vui, niềm tự hào của tổ hợp tác. Hơn ai hết, những thành viên trong tổ hợp tác hiểu rõ những khó khăn, vất vả đã trải qua để đi đến được đích hôm nay.

Trước khi gặp nhau, các thành viên trong tổ đều chỉ có một xưởng xay xát gạo nhỏ lẻ dùng để xay cho các hộ xung quanh nơi mình sống và phục vụ chăn nuôi một vài con lợn, ít chục con gà của gia đình. Một số chị làm được hơn thì xay lúa thành thóc thịt rồi bán lại cho các ki ốt kinh doanh. Mỗi người một cách làm, một thị trường nên giá cả không ai giống ai. Những người cung ứng lúa cho các chị cũng khi cần thì bán, khi không thì các chị có thiếu hàng cũng không màng tới.

Nhìn nhận được vấn đề và để đáp ứng mục tiêu đề ra cho dự án “Chuỗi lúa” mà Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai, đầu năm 2014, chúng tôi đã gặp các chị và cùng các chị tìm hướng đi bền vững cho sản phẩm mà các chị làm ra. “Chí lớn gặp nhau” nên tháng 7/2014, Tổ hợp tác chế biến hàng nông sản Tuyết Hoa tại xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ra đời với 6 thành viên, trong đó có tới 5 thành viên là nữ. Mục tiêu, kế hoạch đã đề ra rất cụ thể nhưng để thực hiện được không hề đơn giản. Từ xưa đến giờ các chị cứ mạnh ai nấy làm, còn bây giờ, khi đã tham gia vào tổ hợp tác, làm gì cũng phải bàn bạc, phải trao đổi, được các thành viên khác thông qua, thống nhất,... gây cảm giác “gò bó”. Tuy nhiên được sự đồng hành của dự án các chị đã dần khắc phục được những tồn tại, từng bước củng cố lại hoạt động nhóm, chỉnh trang và đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại hơn và phát triển hướng mua sản phẩm lúa bằng các hợp đồng cụ thể để đảm bảo nguồn cung.

Hai năm qua đi, Tổ hợp tác của các chị dần đi vào ổn định, máy móc thiết bị chưa thật sự hiện đại và cũng chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn nhưng phần nào cũng đã tạo được nền móng để cho tổ phát triển. Việc thực hiện các hoạt động không phải quá khó nhưng cái khó là việc điều hành nhóm và hạch toán kinh doanh để phát triển bền vững, sản phẩm của Tổ được thị trường biết đến và tạo được thương hiệu gạo Đức Thọ như mục tiêu đề ra. Trước những khó khăn của Tổ, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về điều hành nhóm, hoạt động nhóm, hạch toán kinh doanh,... nhằm nâng cao năng lực cho các chị. Song song với việc học tập nâng cao kiến thức, các chị đã mạnh dạn góp vốn để xây dựng kho chứa và máy xát đồng bộ liên hoàn để đáp ứng các đơn hàng lớn.

Giờ đây Tổ hợp tác đã có những thành quả đáng để tự hào. Ngoài kho chứa riêng của mỗi thành viên thì Tổ đã có được kho chứa chung đảm bảo chứa đủ hơn 700 tấn lúa khi mùa vụ đến; có 1 bộ máy xay xát đồng bộ liên hoàn với công suất 10 tấn/ngày; có 3 ô tô bán tải trọng tải 1,4 - 2 tấn để chuyên chở. Hơn hết các chị đã có thể đảm bảo được cuộc sống ổn định của chính gia đình mình, thu nhập mỗi hộ hàng năm từ 170 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó các chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 -20 lao động trong thôn xóm với mức lương bình quân hàng tháng từ 3 – 4 triệu đồng nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ để xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương. Hiện tại các chị đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, cùng sự hỗ trợ của dự án tiếp tục xây dựng thêm nhà kho mới để mở rộng kinh doanh và dự trữ lúa được nhiều hơn.

 

Chị em trong Tổ hợp tác Tổ hợp tác chế biến hàng nông sản Tuyết Hoa vui mừng với thành quả của mình

 

Bên cạnh tạo việc làm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho chị em trong tổ, điều các chị thấy an tâm nhất là việc sản phẩm các chị làm ra đã có nhãn mác đầy đủ và được thị trường biết đến nhiều hơn. Hiện tại sản phẩm gạo đã được xuất bán không những thị trường trong tỉnh mà còn thị trường các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Bắc chấp nhận. Ngoài phát triển thị trường rộng lớn Tổ cũng đã tạo được lòng tin cho các HTX sản xuất lúa để bà con an tâm sản xuất và để nguồn cung sản phẩm lúa luôn được đảm bảo, giá cả ổn định và không bị ép giá.

Giờ đây ngồi lại bên nhau, chúng tôi luôn được nghe những nụ cười và những câu chuyện kể của các chị về những đổi thay khi thì nhà chị Tuyết mới đổi cái ti vi màn hình phẳng, khi thì nhà chị Hoa mới có cái xe máy mới,.... Những nỗ lực của các chị với tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau đã tạo nên khí thế hăng hái thi đua trong học tập, lao động sản xuất, góp phần chung tay thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới./.

Thái Thơm

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn: khuyennong.gov