Hà Tĩnh: Phát triển nghề nuôi ong lấy mật tại xã Sơn Lâm
- Thứ bảy - 15/09/2018 23:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Sơn Lâm có diện tích tự nhiên khá lớn với 3.800ha, trong đó chủ yếu là rừng và đất rừng, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đến nay toàn xã đã có 40 hộ phát triển nghề nuôi ong với hơn 600 đàn. Nuôi ong lấy mật mang lại nhiều lợi ích bởi không chỉ thu được sản phẩm mật ong mà còn thu được sản phẩm khác như phấn hoa, mật ong chúa. Nuôi ong có thể tận dụng diện tích đất trống, nhất là những hộ phát triển kinh tế vườn đồi vì đây chính là nguồn thức ăn tự nhiên của đàn ong.
Sau nhiều năm trăn trở, tìm tòi hướng phát triển kinh tế cho gia đình, ngoài việc phát triển chăn nuôi bò sinh sản, nuôi hươu lấy nhung... vợ chồng anh Phạm Văn Quyền ở xóm Lâm Trung, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn nhận thấy điều kiện địa hình và tự nhiên ở địa phương rất phù hợp cho việc nuôi ong lấy mật. Anh Quyền đã quyết định theo đuổi công việc này. Tuy không biết bao nhiêu lần ong bị chết, ong đốt, ong bỏ đi, tưởng chừng phải bỏ nghề, nhưng với niềm đam mê và sự kiên nhẫn, sau mỗi lần thất bại anh lại bắt tay khôi phục, vừa tự mày mò tìm hiểu trên sách báo, vừa tiếp thu sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về kỹ thuật nuôi ong. Cứ như vậy sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, anh đã có được sự thành công trong nghề nuôi ong này.
Với khoảng thời gian dài mày mò, anh nhận thấy nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ. Người nuôi cần phải am hiểu đặc tính của đàn ong như xâu tổ, chia đàn, am hiểu về các loại hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật và biết cách luân chuyển đàn ong đến những nơi có nguồn hoa dồi dào, để từ đó duy trì và tăng số lượng đàn ong. Ban đầu, anh chị chỉ nuôi thử nghiệm 10 đàn, sau đó, mỗi năm, anh chị lại tăng số lượng đàn ong và mở rộng quy mô diện tích nuôi thả tự nhiên. Lượng mật những năm đầu nuôi thử nghiệm chỉ cung cấp đủ cho nhu cầu cho gia đình và một số người dân trong vùng. Dần dần, sản phẩm mật ong tự nhiên của gia đình anh Quyền được nhiều người tìm đến đặt hàng. Anh Quyền đã mạnh dạn tăng số lượng đàn ong lên 30 đàn. Bước đầu khai thác được gần 120 lít mật ong cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.
Anh Quyền chia sẻ: “Thực tế nuôi ong lấy mật là một nghề không tốn nhiều công, vốn đầu tư ban đầu ít, dễ chăm sóc nếu hiểu rõ loài ong. Tuy nhiên, nghề này nhiều khi cũng gặp rủi ro bởi nếu không khảo sát kỹ khu vực vườn đồi gửi ong, đàn ong sẽ bị nhiễm hóa chất do người làm vườn phun xịt để kháng bệnh cho cây trồng. Vì thế, người nuôi ong cần có kinh nghiệm và theo dõi sát sao từng giai đoạn phát triển của ong”.
Một thực tế đáng quan tâm là đã có không ít gia đình nuôi ong mật tại Sơn Lâm thất bại. Trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do hiện tượng “ong bốc bay”. Hiện tượng này được hiểu là sự bỏ tổ ra đi của toàn bộ đàn ong. Đây là một bản tính tự nhiên đã được hình thành trong quá trình hoạt động của loài ong nhằm bảo tồn nòi giống. Ngoài ra, “ong bốc bay” còn do sai sót về kỹ thuật của người nuôi, công tác phòng chống bệnh cho ong không đảm bảo. Do ong bốc bay nên đàn ong phát triển lệ thuộc vào số đàn bắt lại được, năng suất và sản lượng mật sẽ giảm đi rất nhiều, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Theo kinh nghiệm của những hộ dân nuôi ong lâu năm, để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, người nuôi cần nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng đàn ong theo từng mùa hoa, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đàn ong. Mặt khác ong mật có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ. Ong cũng thường hay bị bệnh thối trùng, vì vậy người nuôi cần nắm được các đặc tính tự nhiên để có biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng thường xuyên, vệ sinh thùng nuôi ong đảm bảo khô ráo và sạch sẽ, kịp thời phòng trị bệnh cho đàn ong. Có như vậy mới đảm bảo đàn ong luôn khỏe mạnh cho năng suất và chất lượng mật ong tốt nhất.
Ông Trần Văn Phượng - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn cho biết: Hiệu quả của nghề nuôi ong đã được khẳng định, nhất là đối với xã miền núi như Sơn Lâm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để mở rộng và tăng trưởng, ổn định lâu dài rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành chuyên môn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác quan tâm quy hoạch vùng nuôi, để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Triển khai các giải pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm để mật ong Sơn Lâm nói riêng và mật ong Hương Sơn nói chung mở rộng thị trường, tiêu thụ ổn định, giúp nghề nuôi ong lấy mật ở Sơn Lâm phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững hơn./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn: khuyennonggov.vn