Hà Tĩnh: Triển vọng từ mô hình nuôi hàu đại dương
- Thứ tư - 29/05/2019 03:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước thực trạng này, việc tìm kiếm đối tượng nuôi mới nhằm giúp người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giống thủy sản mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đang được ngành chuyên môn các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả. Nuôi hàu đại dương tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh là một trong những mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả.
Đầu tháng 5/2018, vùng eo biển tại xã Kỳ Ninh và vùng cửa sông xã Kỳ Hà là những địa điểm được thị xã Kỳ Anh lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình nuôi hàu đại dương trên 10 bè với 10 hộ tham gia.
Tham gia mô hình, ngoài việc được đi tham quan thực tế học tập kinh nghiệm nuôi hàu tại tỉnh Quảng Ninh, các hộ dân còn được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi hàu tại địa phương và được hỗ trợ một phần kinh phí để làm bè nuôi. Mỗi bè có diện tích từ 100- 120 m2, bè làm bằng tre, sàn bè đan lưới, mỗi bè thả nuôi 6.000 con giống. Giống hàu nuôi thích hợp với những nơi có nguồn nước sạch, dòng chảy nhẹ, màu nước xanh, có nhiều sinh vật phù du, độ mặn thích hợp từ 20-30‰, pH 7,5- 8,5. Đây là giống hàu có thời gian nuôi ngắn, từ 4-6 tháng là cho thu hoạch. với giá mỗi con giống 1.800 – 2.000 đồng và chi phí làm bè khoảng 13 triệu đồng thì mỗi hộ dân tham gia mô hình phải bỏ ra kinh phí trên 20 triệu đồng cho mỗi bè nuôi. So sánh với các đối tượng nuôi khác thì nuôi hàu đại dương không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc do hàu chỉ sử dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lý, ở xã Kỳ Ninh, một trong những hộ dân tham gia mô hình nuôi hàu đại dương, chia sẻ: “Nghề nuôi hàu trên sông phụ thuộc vào điều kiện môi trường nước rất nhiều. Nếu nước ô nhiễm, hàu sẽ chậm lớn và có thể chết đồng loạt. Vì vậy, việc lựa chọn khu vực đặt bè là rất quan trọng. Kế đến là khâu chọn giống, vì chất lượng con giống quyết định đến sự thành bại của nghề nuôi hàu. Ngoài ra, để hàu lớn nhanh và không bị bùn bám, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra và vệ sinh bè nuôi để có hướng chăm sóc phù hợp, đồng thời phân loại hàu để nuôi theo kích cỡ”.
Ông Thân Văn Tự - giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh cho biết: “Thị xã Kỳ Anh là một trong những địa phương có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản khá lớn, với tổng diện tích 582 ha. Tuy nhiên, từ thực tế những năm qua cho thấy tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn diễn biến phức tạp. Vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố như chất lượng giống, sự diễn biến phức tạp của thời tiết khí hậu, tình trạng lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, trình độ canh tác, môi trường ngày càng ô nhiễm… Vì vậy, trong thời gian qua, thị xã Kỳ Anh đã tiến hành khảo sát, lựa chọn một số vùng nuôi và đã đưa vào một số đối tượng thủy sản nuôi thích hợp nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, giúp bà con phát triển kinh tế, trong đó có mô hình nuôi hàu bước đầu cho kết quả rất tốt”.
Mặc dù nghề nuôi hàu lần đầu tiên được đưa vào nuôi trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, tuy nhiên, qua thời gian theo dõi gần 2 tháng nuôi, phần nào đã khẳng định tính thích ứng của giống hàu này tại địa phương.
Theo Nguyễn Hoàn/khuyennongvn.gov.vn