Hà Tĩnh hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu
- Thứ ba - 02/04/2019 10:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp – 1 trong 4 trụ cột kinh tế
Mặc dù điều kiện địa hình, địa lý không thuận lợi, chịu ảnh hưởng khá nặng nề của biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được các chuyện gia tư vấn Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG) - đơn vị tư vấn quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh xác định là 1 trong 4 trụ cột của kinh tế Hà Tĩnh (công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ cảng & logitics, du lịch).
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt khẳng định, những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; đổi mới hình thức sản xuất, tập trung thực hiện liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị...
Vì vậy, 5 năm qua sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả to lớn, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 50 triệu đồng/ha (năm 2013) lên 82 triệu đồng/ha (năm 2018). Theo ông Việt, đây cũng là minh chứng “dĩ nông vi bản”, quan tâm đầu tư và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp .
Đặc biệt, Hà Tĩnh đã thực hiện hiệu quả tái cơ cấu trên lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trên lĩnh vực chăn nuôi đã chuyển mạnh về hình thức tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi gia trại, trang trại liên kết với doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 229 trang trại chăn nuôi tập trung; tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 48% năm 2015 lên 53% năm 2018.
Trên lĩnh vực thủy sản, mặc dù chịu tác động ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển năm 2016, nhưng đã phục hồi nhanh và lấy lại đà tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt trên 47 nghìn tấn, tăng 9,87% với năm 2015 và 21,5% so với năm 2016.
Sản xuất thủy sản chuyển mạnh hình thức đầu tư nuôi trồng từ nông hộ sang doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng diện tích nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trên cát từ 400 ha (năm 2015) lên 810 ha (năm 2018).
Sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu
Trên cơ sở kết quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua, Hà Tĩnh tiếp tục xác định sản xuất nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột phát triển. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc điều hành BCG Christopher Malone, để đạt mục tiêu đến 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1,1 tỷ USD, Hà Tĩnh phải tập trung chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và canh tác thông minh trên các sản phẩm chính hiện có, tích hợp với ngành chế biến nông sản.
“Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phải chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị cao như trái cây, rau màu thay thế cho cây lúa. Tiềm năng nuôi trồng, chế biến thủy sản của Hà Tĩnh cũng rất lớn. Bên cạnh đó, chế biến sâu lâm sản từ gỗ rừng trồng cũng là một giải pháp phù hợp để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh của Hà Tĩnh” – ông Christopher Malone cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, xác định vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, tiếp tục rà soát, chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có liên kết; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và từng địa phương, vùng sinh thái, vùng tiểu khí hậu; tổ chức liên kết chặt chẽ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiện đại, công nghệ cao, đặc biệt là ở những vùng còn dư địa tăng trưởng lớn dọc ven biển và vùng đồi, rừng.
Tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, “khoa học công nghệ phải đi trước một bước” để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường.
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn