Mở cánh đồng lớn, lần đầu tiên nông dân Kỳ Anh có thửa ruộng rộng trên 1 ha
- Thứ bảy - 28/12/2019 09:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Võ Công Dũng đang phá bờ thửa trên diện tích đất của mình
Gia đình ông Võ Công Dũng ở thôn Hoàng Diệu có 3 sào ruộng ở khu vực Cửa Làng. Trước đây, với diện tích đất này ông phải canh tác trên 4 thửa; vụ xuân này thực hiện chủ trương của xã, không chỉ diện tích ruộng của ông mà cả thửa lớn với diện tích 10 sào (trên 10 bờ thửa) đã không còn bờ thửa. Theo đó các hộ sản xuất trong diện tích vùng đồng loạt tiến hành sản xuất cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc.
“Lâu nay sản xuất trên những thửa ruộng nhỏ, manh mún gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, mặc dù đất đai trong từng vùng khá bằng phẳng. Vì vậy khi được biết xã chủ trương phá bờ thửa để có diện tích lớn, tôi rất phấn khởi và ủng hộ. Được sản xuất trên một thửa ruộng càng lớn sẽ càng thuận lợi trong hầu hết các khâu sản xuất, đặc biệt là khi mà các khâu sản xuất đều đã được cơ giới hóa” - Ông Dũng phấn khởi chia sẻ.
Thực hiện đợt phá bờ thửa, thôn Hoàng Diệu (Kỳ Tiến) huy động 2 máy cày đa chức năng công suất lớn của người dân trong thôn tham gia đẩy nhanh tiến độ
Vụ xuân này, xã Kỳ Tiến là một trong 3 xã được huyện Kỳ Anh chỉ đạo làm thí điểm phá bỏ bờ thửa với tổng diện tích khoảng 35 ha trên địa bàn 3 thôn. Đến thời điểm này, đã tiến hành được khoảng 70% diện tích. Tại các vùng làm thí điểm, trước đây bình quân mỗi thửa chỉ từ 300 - 600 m2 thì sau khi cải tạo, bình quân mỗi thửa đạt 4.000 - 5.000 m2.
Theo Trưởng thôn Hoàng Diệu Võ Công Bảy, đây là đợt thực hiện phá bờ thửa quy mô lớn nhất, có thể biến hàng chục thửa trong vùng thành một thửa và cũng là lần điều chỉnh nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao nhất từ nhân dân. Hiện toàn thôn có 2 máy cày công suất lớn, hàng chục máy cày đa chức năng và phương tiện cơ giới lớn nhỏ, sẽ phát huy hiệu quả cao hơn ở những cánh đồng lớn.
Thửa ruộng rộng trên 1 ha (20,5 sào) sau khi phá bỏ bờ nhiều thửa ruộng liền kề của thôn Liên Sơn (xã Kỳ Văn)
Diện tích làm thí điểm không lớn như xã Kỳ Tiến (chỉ 6,1 ha) nhưng “vựa lúa” Kỳ Văn lại chỉ đạo mở rộng được những thửa ruộng có diện tích lớn vượt trội. Tại khu vực làm thí điểm (thôn Liên Sơn), trước đây thửa nhỏ nhất có diện tích nhỏ nhất là 1 sào (500 m2), lớn nhất 3 sào (1.500m2); sau điều chỉnh thửa bé nhất là 8 sào (4.000m2), thửa lớn nhất đạt 20,5 sào (trên 10.000m2).
Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Văn Nguyễn Tiến Điền, ngay sau khi tiếp nhận chủ trương của huyện về thực hiện thí điểm chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, xã kịp thời lựa chọn vùng đất vừa thuận lợi về địa thế cũng như điều kiện thâm canh để tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Khi cánh đồng là những ô thửa lớn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất
“Không khó khăn như dự kiến ban đầu, mọi việc triển khai khá suôn sẻ; đặc biệt người dân hoàn toàn đồng tình, ủng hộ và háo hức tham gia. Mất nhiều thời gian nhất là phải tiến hành cất bốc, di dời 3 ngôi mộ vô chủ trên diện tích làm thí điểm. Tuy vậy, chỉ chưa đầy 1 tuần triển khai toàn bộ diện tích 6,1 ha đã được hoàn thành phá bờ thửa, đồng thời cũng xong khâu cày đất, sẵn sàng cho việc xuống giống” - Chủ tịch UBND xã Kỳ Văn cho biết.
Sau một số kết quả từ phong trào chuyển đổi đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, vụ xuân 2019, huyện Kỳ Anh triển khai thí điểm đợt chuyển đổi đất quy mô lớn trên địa bàn 3 xã: Kỳ Tiến, Kỳ Khang và Kỳ Văn với tổng diện tích gần 60 ha.
Với tác dụng thiết thực, việc chuyển đổi ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ từ phía người nông dân
Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh phấn khởi cho biết, mặc dù diện tích triển khai thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu được đánh giá là thành công. Điều đáng mừng nhất là chủ trương này đã có sự vào cuộc thực hiện quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các thôn xóm, đặc biệt là nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ từ phía người nông dân.
“Đây là cơ sở quan trọng để huyện triển khai nhân rộng trong các vụ sản xuất tới, trước mắt tạo điều kiện chỉnh trang đồng ruộng theo đúng quy hoạch, tiến tới xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên phạm vi toàn huyện. Hy vọng cuộc “cách mạng chuyển đổi ruộng đất” lần này sẽ hiện thực hóa việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, góp phần từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân” - Trưởng phòng NN&PTNT Kỳ Anh khẳng định.
Theo Vũ Huyền/baohatinh.vn