Mô hình rau sạch cho người dân miền núi
- Chủ nhật - 26/11/2017 09:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là một trong những hộ tham gia mô hình, chị Cao Thị Điệp ở khối 2B, thị trấn Tân Lạc đã trồng các loại rau như cải cắp, su hào, cà chua, đậu leo trên diện tích 0,7ha đất bãi sông Hiếu... Sau 2 tháng triển khai, hiện các loại rau phát triển rất tốt.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Châu trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con. Ảnh: Bé Vinh |
Trong quá trình triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông huyện khảo sát địa bàn, chọn hộ tham gia, ưu tiên các hộ đã có rau bán ra thị trường. Để mô hình thành công, Trạm cử án bộ trực tiếp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, đảm bảo rau sản xuất sạch và an toàn thực phẩm.
Anh Trần Nguyên Thanh, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Qùy Châu cho biết: Lâu nay, việc sản xuất rau màu chưa được nhiều nông dân quan tâm và không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn. Việc sản xuất rau theo mô hình VietGAP sẽ giúp người dân biết được tiêu chí kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm, môi trường người lao động và nguồn gốc thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Hộ dân tham gia mô hình chủ yếu bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Ảnh: Bé Vinh |
Được biết, hiện trên địa bàn huyện có trên 80% các loại rau củ, quả được nhập từ các địa bàn khác đến tiêu thụ. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn gốc sản suất và mức độ an toàn của rau xanh trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.
Với mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP của Trạm khuyến nông được cán bộ kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP đưa ra, đó là: chọn đất trồng; nước tưới phải sạch; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ; sử dụng thuốc trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật; quá trình thu hoạch phải làm sạch sơ chế và vận chuyển đến nơi tiêu thụ….
Theo chị Cao Thị Điệp - hộ tham gia mô hình, đã nhiều năm nay, chị thường xuyên trồng rau vụ đông, nhưng chủ yếu theo kinh nghiệm nên không nắm được các quy trình kỹ thuật. Thông qua mô hình chị được tập huấn và hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng rau theo hướng sạch và an toàn.
Người dân cũng đầu tư ống dẫn nước và tự chế hệ thống tưới nước sạch cho các loại rau. Ảnh: Bé Vinh |
Để đảm bảo rau an toàn thực phẩm, chị Điệp không phun thuốc phòng trừ mà bắt sâu bằng thủ công. Bên cạnh đó, diện tích đất thường xuyên ngập lụt chủ yếu là phù sa sau bồi lắng nên chỉ cần bón thêm phân hữu cơ đã được ủ kỹ. Cũng chính vì thế mà cỏ mọc ít, hạn chế được công làm cỏ.
Sau gần 2 tháng triển khai, từ khảo sát chọn hộ đến sản xuất, hiện 1ha rau theo hướng VietGAP của Trạm Khuyến nông Qùy Châu đang phát triển tốt, còn hơn một tháng nữa sẽ cho thu hoạch với đa dạng các loại rau như cải bắp, cà chua, su hào, đậu xanh…
Dự tính mô hình sẽ cung cấp khoảng 40% rau sạch cho địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán
Bé Vinh/baonghean.vn